Về thăm nhà máy A40 (Quân chủng Phòng không-Không quân) lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của nhà máy. Con đường đất gồ ghề, bụi bặm quanh năm xưa kia đã được thay bằng đường nhựa phẳng lỳ. Ngay trước cổng Nhà máy là tấm pa-nô vẽ tranh cổ động với những hình ảnh sinh động về nhiệm vụ của Nhà máy. Những nhà xưởng ọp ẹp, tạm bợ năm nào đã được thay bằng những nhà sắt kiên cố, rộng thênh thang…
Trung tá Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc nhà máy cho chúng tôi biết:
- Cuối năm 2007, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã phê duyệt cho Nhà máy A40 dự án đầu tư chiều sâu công nghệ sửa chữa trang bị. Cán bộ, công nhân viên chúng tôi đang tích cực thực hiện năm đầu tiên của dự án. Anh em đã xây dựng 57 bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán cho 79 hạng mục đầu tư với hàng nghìn trang tài liệu…
 |
Kiểm tra thiết bị kỹ thuật ở Nhà máy A40. |
Việc Bộ Quốc phòng phê duyệt dự án đầu tư chiều sâu công nghệ cho Nhà máy A40 đã tạo ra sức bật mới cho Nhà máy. Khi dự án hoàn thành, Nhà máy sẽ được nâng cao năng lực trình độ công nghệ, cho phép Nhà máy có đủ khả năng tổ chức sửa chữa lớn các trang bị thông tin đảm bảo bay và thông tin đặc chủng, nhằm đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn và tính đồng bộ của sản phẩm xuất xưởng, sản xuất một số cụm chức năng vật tư phụ tùng đồng bộ, giải quyết kịp thời những khó khăn về vật tư phụ tùng đặc chủng.
Đi cùng Thượng tá Trần Đình Thiện, Chính ủy Nhà máy xuống thăm quan các phân xưởng, chúng tôi thấy các phân xưởng đều được trang bị các hệ thống bàn thử, giá thử đồng bộ với các quy trình công nghệ hoàn chỉnh, hệ thống máy đo hiện đại, chính xác cao.
Chúng tôi được “mục sở thị” máy dẫn hướng DHA8 của Phó giám đốc kỹ thuật Nguyễn Hải Sơn cùng tập thể kỹ sư Nguyễn Văn Bằng, Lê Đình Đích, Lê Văn Thắng tham gia nghiên cứu chế tạo. Những năm trước, tôi từng làm kỹ thuật ở đơn vị thông tin không quân. Chiếc máy dẫn hướng PAR-8 của Liên Xô (cũ) cồng kềnh nặng đến hơn 4 tạ được sử dụng các loại đèn điện tử, khi hỏng hóc sửa chữa rất vất vả. Còn chiếc DHA8, được các kỹ sư Nhà máy lắp ráp mới hoàn toàn bằng các linh kiện hiện đại, bảo đảm tính năng như chiếc PAR-8 lại có nhiều ưu điểm nổi trội hơn. Máy gọn nhẹ, dễ dàng sử dụng cho cơ động; giá thành rẻ hơn rất nhiều, chất lượng tín hiệu tốt hơn; các tham số được quản lý chặt chẽ; các giao tiếp trên mặt máy với người sử dụng thuận lợi dễ dàng…
Một sáng kiến đáng được ghi nhận khác là việc các cán bộ kỹ thuật Nhà máy đã nghiên cứu lắp ráp thành công ghi âm kỹ thuật số GA-05 thay thế cho máy ghi âm MN-61 đang sử dụng tại các máy đối không, dùng liên lạc mặt đất với phi công. Việc ghi âm các cuộc đàm thoại giữa chỉ huy mặt đất và các phi công bay trên trời là việc cần thiết trong bảo đảm an toàn bay.
Có thể kể rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật khác của Nhà máy như sản xuất các khối tần chuẩn 1-1 để sửa chữa các máy đối không R-862, R-863; lắp ráp xe chỉ huy tổng hợp trên xe YAZ; cải tiến nâng cấp xe định hướng ARP-9; cải tiến hệ thống điều chỉnh tần số cho máy phát 91…
Cơ sở 2 của nhà máy ở phía Nam, do Phó giám đốc Đào Văn Dũng phụ trách, làm nhiệm vụ sửa chữa các trang thiết bị thông tin đặc chủng Phòng không-không quân từ Đà Nẵng trở vào. Mặc dù xa Nhà máy, nhưng anh em vẫn chủ động trong công việc, tích cực đi các đơn vị sửa chữa các trang bị thông tin đặc chủng, góp phần bảo đảm bay các Đoàn không quân ở phía Nam và Trường sĩ quan Không quân.
Bài và ảnh: Đoàn Hoài Trung