Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông... phối hợp với các cơ quan liên quan sớm làm rõ sự việc, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có). Đến nay, thông tin về mức độ an toàn của nước mắm đã được Bộ Y tế nhanh chóng kiểm tra, công bố song còn nhiều việc phải làm để giúp thị trường nước mắm phát triển lành mạnh, kịp thời rút ra những bài học trong quản lý.

Chỉ đạo kịp thời, xử lý nghiêm sai phạm

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam năm 2016, hiện cả nước có khoảng gần 2.800 doanh nghiệp làm nước mắm truyền thống. Người tiêu dùng hiện tiêu thụ 200 triệu lít nước mắm/năm, trong đó nước mắm công nghiệp chiếm 150 triệu lít (khoảng 75%). Tổng doanh thu cho thị trường nước mắm đạt từ 7.200 tỷ đồng đến 7.500 tỷ đồng/năm. Tập đoàn Masan hiện chiếm 76% thị trường nước mắm công nghiệp.

leftcenterrightdel
Kiểm tra và đóng gói sản phẩm nước mắm tại Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang. Ảnh: CÔNG THI. 
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Đỗ Hữu Việt, Giám đốc truyền thông Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang khẳng định, nước mắm truyền thống không thể bị “vẩn đục” bởi thông tin mập mờ. Từ nhiều năm nay, các sản phẩm nước mắm của Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang đều được sản xuất theo phương pháp truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại, tuân thủ các quy định về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2005, sau 8 tháng đến một năm ủ cá mới bắt đầu chiết xuất. Do đó, bên cạnh những đặc trưng của sản phẩm truyền thống, nước mắm 584 Nha Trang còn có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu cho đến khi thành phẩm. Các loại nước mắm sản xuất ra đều có hàm lượng asen (thạch tín) vô cơ dưới ngưỡng cho phép. Thế nhưng, trước sự mập mờ trong thông tin do Vinastas công bố, công ty đã bị ảnh hưởng nặng nề. Từ người điều hành đến công nhân đều lo lắng. Các cổ đông cũng cảm thấy hoang mang. Tại các siêu thị, sản phẩm bày bán bị gỡ xuống, công ty phải giải thích rất nhiều họ mới đưa trở lại. Còn các nhà phân phối tại chợ truyền thống gọi điện trả lại hàng. Không những thế, ngư dân cung cấp cá cũng hoang mang.

“Chúng tôi rất đồng tình với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và một số bộ, ngành liên quan đã kịp thời đưa ra những thông tin trấn an người tiêu dùng và chỉ đạo xử lý Vinastas. Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục làm rõ, xử lý nghiêm những đối tượng sai phạm. Bởi đây không chỉ là hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh mà còn có dấu hiệu phá hoại, trục lợi, có dấu hiệu hình sự cần xử lý nghiêm”-ông Đỗ Hữu Việt cho biết.

Tìm về huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, chúng tôi ghi nhận ý kiến của nhiều bà con sản xuất nước mắm ở thị trấn Diêm Điền hết sức bất ngờ, bức xúc khi Vinastas lấy nhiều mẫu nước mắm Diêm Điền đi khảo sát. Theo danh sách 150 mẫu nước mắm “rò rỉ” trên mạng, còn có một số loại nước mắm ở Thái Bình và các địa phương khác bị đưa vào danh sách “không đạt tiêu chuẩn”. Thế nhưng, cả người dân, cơ sở sản xuất cũng như lãnh đạo huyện đều không biết gì về cuộc khảo sát này. Ông Bùi Đức Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Thái Thụy bức xúc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: “Hành vi phá hoại sản xuất, gây thiệt hại cho nước mắm truyền thống rất nguy hiểm. Nếu không ngăn chặn, xử lý nghiêm thì kẻ xấu sẽ còn tấn công sang nhiều lĩnh vực sản xuất khác”.

Sớm có giải pháp tổng thể

Tại cuộc giao lưu trực tuyến do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức sáng 23-10, ông Ngô Quang Tú-Trưởng phòng Chế biến bảo quản thủy sản thuộc Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), một chuyên gia về nước mắm-cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm. Đồng thời, trong nội dung của quy chuẩn phải có khái niệm hoặc định nghĩa rõ ràng với nước mắm. Còn đối với Bộ NN&PTNT cũng cần rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5107:2003 để đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của xã hội. Bộ Y tế khi xây dựng bộ quy chuẩn về sản phẩm thực phẩm cũng nên tách quy chuẩn về sản phẩm thủy sản riêng vì trên thế giới hai hệ thống này được tách bạch. Đối với doanh nghiệp, cả nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp phải minh bạch thông tin để người tiêu dùng lựa chọn. “Nước mắm truyền thống Việt Nam làm từ nguyên liệu là cá tự nhiên, muối trong thời gian dài, tạo ra một sản phẩm mặn nồng thơm ngon, hết sức tinh túy và rất thân thiện với cơ thể con người. Không phải ngẫu nhiên mà Ủy ban Tiêu chuẩn Codex Quốc tế lại giao cho Việt Nam xây dựng cả bộ tiêu chuẩn về nước mắm cho cả thế giới sử dụng. Nói nước mắm truyền thống chứa asen vượt ngưỡng là vô trách nhiệm, phản khoa học. Ngay bây giờ chúng ta phải nhanh chóng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về nước mắm. Trong QCVN phải có định nghĩa rõ ràng về nước mắm là gì, nước chấm công nghiệp là gì", ông Ngô Quang Tú nói.

leftcenterrightdel
Công nhân Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang dán nhãn và đóng gói sản phẩm nước mắm. Ảnh: VĂN KỲ. .
Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết cho biết, đánh giá của Vinastas gây tác động tiêu cực tới tâm lý người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất, làm người tiêu dùng hoang mang, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của các sản phẩm nước mắm truyền thống. Về lâu dài, nếu thông tin này không được làm sáng tỏ và khiến người tiêu dùng quay lưng lại với nước mắm truyền thống, nó sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống của đông đảo người dân, từ người đánh cá đến người sản xuất mắm và các doanh nghiệp. Tới đây, một hội thảo về nước mắm sẽ được tổ chức vào tháng 11 tại Phan Thiết nhằm làm tăng thêm nhận thức về các sản phẩm nước mắm truyền thống.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Đại Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Khái niệm chất lượng và khái niệm an toàn là hai vấn đề khác nhau. Nếu như ai nghe nói tất cả nước mắm chúng ta cứ dùng là đủ độ tin tưởng thì cũng cần phải xem xét. Nếu chỉ lấy chỉ tiêu an toàn thì đó là chưa đủ. Muốn nước mắm ra nước mắm thì phải có các chỉ tiêu khác. Bảo đảm tất cả các tiêu chuẩn chất lượng đối với người tiêu dùng, phải phân tích thật kỹ. Cho nên, theo ông Dương, tới đây, phải tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm nước mắm.

Được biết, ngày 24-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành quy định của pháp luật của Vinastas. Thành phần đoàn kiểm tra gồm: Đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Công an, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Nội dung kiểm tra nhằm làm rõ tính chất, cơ sở pháp lý tiến hành hoạt động khảo sát, công bố kết quả khảo sát của Vinastas. Đồng thời, xác định mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành đối với hoạt động khảo sát và công bố kết quả khảo sát của Vinastas (nếu có). Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu xác định rõ việc nhận tài trợ từ doanh nghiệp hoặc tổ chức kỹ thuật, khoa học của Vinastas trong việc tiến hành các hoạt động khảo sát vừa qua.

* Đại tá LÊ BÁ THÀNH, Phó cục trưởng Cục Hậu cần Quân đoàn 1: 

Quy chuẩn cần rõ ràng hơn

Theo dõi sự việc, tôi nhận thấy việc tăng cường quản lý thị trường nước mắm là cần thiết nhưng phải minh bạch thông tin, gắn liền với ngăn chặn hành vi “truyền thông bẩn”, cạnh tranh không lành mạnh. Bản thân tôi khi làm Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 312 từng rất trăn trở trong việc giúp bộ đội có nước mắm ngon, sạch trong bữa ăn. Chúng tôi đã tìm tòi từ việc mua đến thử nghiệm tự sản xuất và có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Nếu có quy chuẩn rõ ràng, minh bạch hơn thì các đơn vị sản xuất không thể lập lờ đánh lừa người tiêu dùng. Qua đó, tôi thấy việc cần làm hiện nay là phát huy vai trò quản lý của cơ quan chức năng và mỗi người tiêu dùng phải thực sự là người tiêu dùng thông thái. Báo chí có nhắc đến nghi án "truyền thông bẩn" đối với nước tương cách đây hơn 10 năm. Nhưng nay trình độ nhận thức của người tiêu dùng đã khác, không dễ gì đánh lừa họ. Sự việc cũng là một bài học để người tiêu dùng hiện nay thông minh hơn, không bị mắc bẫy của truyền thông, tiếp thị thiếu lành mạnh.

* Ông PHẠM QUỐC HƯƠNG, Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Ngọc Long (TP Hà Nội):

Khẩn trương thu hồi nội dung khảo sát, quảng bá làm “nhiễu” thị trường

Phụ trách sản xuất một công ty cũng làm nước mắm nên tôi biết, hiện nay người tiêu dùng chưa thật sự hiểu rõ sự khác biệt giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Trong quản lý chất lượng cũng còn thiếu chặt chẽ. Chỉ lấy riêng ví dụ ghi trên nhãn về “độ đạm” cũng đang có sự lập lờ giữa hàm lượng ni-tơ và chất protein nên có khi nước mắm ghi độ đạm 40% nhưng chỉ là đạm bổ sung từ hóa chất, hàm lượng dinh dưỡng protein rất thấp. Cho nên, minh bạch hóa quy chuẩn và quản lý chất lượng chặt chẽ hơn là đòi hỏi cấp thiết. Còn trước mắt hiện nay, kết quả khảo sát do Vinastas đưa ra gây hoang mang dư luận nhưng vẫn chưa bị thu hồi và dựa trên cuộc khảo sát này, có hãng nước mắm đã tung ra các tờ rơi quảng cáo “an toàn thạch tín” phát khắp các cửa hàng, siêu thị. Người tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa ít đọc báo có thể bị đánh  lừa bởi những nội dung quảng bá này. Vì vậy, cần sớm thu hồi nội dung khảo sát, quảng bá làm “nhiễu” thị trường. 

NGUYÊN MINH - HOÀNG HẢI - ĐỨC TUẤN