Thông tư áp dụng đối với tất cả người lao động trong Bộ Quốc phòng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; công nhân, viên chức quốc phòng, công chức, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu không phải là quân nhân, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH; người đã tham gia bảo hiểm xã hội từ trước ngày Luật BHXH có hiệu lực trong thời gian đi học tập, thực tập, công tác, nghiên cứu, đi điều dưỡng ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương hoặc phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí ở trong nước và đóng BHXH theo quy định thì được hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH; và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Quốc phòng.

Về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Thông tư 37/2017/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định: Mức đóng bắt buộc hàng tháng đối với người lao động hưởng tiền lương và của đơn vị (người) sử dụng lao động bằng 26% tiền lương tháng đóng BHXH (trong đó: đơn vị đóng 18%, người hưởng lương đóng 8%); Đối với người lao động hưởng phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí, mức đóng bằng 23% mức lương cơ sở và do đơn vị (người) sử dụng lao động đóng; Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trường hợp đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc sẽ đóng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước khi ra nước ngoài. Trường hợp chưa tham gia hoặc đã hưởng BHXH một lần sẽ phải đóng 22% của 2 lần mức lương cơ sở.

Đặc biệt, Thông tư của Bộ Quốc phòng nêu rõ, sẽ truy thu, truy đóng BHXH đối với các trường hợp: trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH cho người lao động; điều chỉnh tăng tiền lương tháng đã đóng BHXH cho người lao động; đóng bù thời gian chưa đóng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng BHXH cho người lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động về nước mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy thu BHXH được tính bao gồm số tiền phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng. Lãi suất truy thu được lấy bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề của năm tính truy thu. Riêng đối với trường hợp đóng bù và truy thu khi điều chỉnh tăng tiền lương thì số tiền truy thu sẽ không bị tính lãi chậm đóng.

Người sử dụng lao động phải đóng đủ BHXH bắt buộc, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp giải quyết chế độ BHXH cho người lao động.

Trong trường hợp người lao động và người sử dụng lao động đóng BHXH vượt quá số tiền phải thu theo quy định, BHXH Bộ Quốc phòng thực hiện thoái thu BHXH cho người lao động và người sử dụng lao động.

Thông tư 37/2017/TT-BQP của Bộ Quốc phòng sẽ có hiệu lực kể từ ngày 2-4-2017. Theo đó, Thông tư số 42/2009/TT-BQP ngày 30 tháng 7 năm 2009 của Bộ Quốc phòng về hướng dẫn quản lý thu chi về BHXH bắt buộc trong Quân đội nhân dân Việt Nam hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành; những quy định trước đây về quản lý thu chi BHXH trong Bộ Quốc phòng trái với quy định tại Thông tư này đều được bãi bỏ.

TRÚC PHƯƠNG