Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, theo đánh giá của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, năm 2009 có hàng triệu lao động thất nghiệp. Đó là những lao động chủ yếu làm trong các làng nghề thủ công như gốm sứ, mộc, gỗ, mây tre đan…

Hệ thống làng nghề Việt Nam bắt đầu khởi sắc từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Theo con số thống kê, năm 2007, cả nước có 2.017 làng nghề, đến năm 2009, đã phát triển thành 2.790 làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động. Trong đó có cả người già, thương binh, người tàn tật, trẻ em và lao động lúc nông nhàn. Nhiều làng nghề làm ăn phát đạt trong những năm qua nhờ ký được các hợp đồng xuất khẩu, bộ mặt nông thôn đã đổi thay rõ rệt từng ngày, thu nhập được nâng lên, đời sống được cải thiện.

Hiện nay, các làng nghề gặp nhiều khó khăn. Nhiều hợp đồng đã ký nay buộc phải hủy bỏ vì khách hàng không có khả năng thanh toán. Bên cạnh đó, các làng nghề còn phải đối mặt với khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, thị trường chưa phát triển do mẫu mã chậm cải tiến, công nghệ lạc hậu, diện tích và quy mô sản xuất nhỏ hẹp, thiếu lao động có trình độ cao…

Đặc biệt, các làng nghề ở nông thôn ngoài việc phải hứng chịu một lực lượng lao động thất nghiệp ở các làng nghề, còn phải tiếp nhận số lao động “chảy từ phố về quê”, đó là những lao động trước đây rời làng quê đi đến các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất làm việc, nay do tình hình khó khăn chung lại quay trở lại với gia đình ở nông thôn do bị mất việc làm.

Để giải bài toán việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, Nhà nước và doanh nghiệp phải nghiên cứu giải quyết đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của các làng nghề, làm sao các sản phẩm của các làng nghề phải chiếm được thị trường trong nước. Các làng nghề muốn chiếm được lượng khách hàng tiềm năng trong nước thì cần phải chú trọng thay đổi chất lượng, mẫu mã, giá cả sản phẩm.

Để chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn thực sự đi vào cuộc sống, Nhà nước cần đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Nhà nước cần đầu tư về vốn, khoa học kỹ thuật, nhân lực có trình độ cao và cơ chế chính sách cho nông thôn… Làm tốt được khâu này sẽ giải quyết được nhiều việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế nông thôn nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung.

VŨ THẾ NGHĨA

(phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh)