QĐND - Hôm nay bà Thao lại ế rau. Một người hiền lành chân chất như bà, chỉ bán các loại rau do nhà trồng được, sao bỗng dưng bị mất khách như vậy? Chị gái tôi - vốn là một trong những khách hàng “ruột” của bà Thao - phàn nàn:

- Tại bà ấy cả thôi. Làm ăn như thế không chỉ không bán được rau, mà còn ảnh hưởng tới cả tình làng nghĩa xóm.

Chuyện là thế này. Nhà bà Thao ở giữa làng, có mảnh vườn khá rộng, màu mỡ. Vốn là người nông dân cần cù, chịu khó, ngoài những giờ đồng áng, bà lại chịu khó gieo trồng các loại rau màu trên mảnh vườn nhà. Không phụ công người chăm bón, các loại rau cải, xu hào, xà lách, rau thơm… nhà bà xanh tươi mơn mởn, không sâu bệnh. Điều đặc biệt là rau bà trồng không bao giờ phun thuốc trừ sâu. Nhà chỉ có 5 người, gồm ông bà Thao, vợ chồng người con trai thứ hai và đứa cháu gái, nên rau bà trồng cả nhà ăn không hết. Vì vậy, cô con dâu khuyên mẹ chồng mang rau ra chợ đầu làng bán bớt, thêm tiền chi tiêu. Lời khuyên của con dâu rõ là có hiệu quả. Hàng rau sạch của bà Thao nhanh chóng là địa chỉ “tin dùng” của bà con xóm làng, kể cả khách vãng lai. Mỗi buổi chợ, bà chỉ bán có hai rổ rau, chưa đầy 10 phút đã hết veo. Bà Thao vui lắm! Sau mỗi buổi chợ, bà lại càng chịu khó chăm bón, vun trồng trên mảnh vườn nhà, số tiền bán rau cũng giúp bà đáng kể trong việc chi tiêu, cưới xin, giỗ chạp...

Thế nhưng, lại chính cô con dâu đã hại bà. Tuy bán rau với giá “nhỉnh” hơn những người khác, rau bà Thao vẫn không đủ với nhu cầu khách hàng. Vì thế, cô con dâu bàn với mẹ chồng nên mua thêm rau ở nơi khác, bán lẫn vào rau nhà mình. “Việc mua rau về con lo. Mỗi bữa, mẹ cứ bán hai rổ rau nhà mình như mọi khi, sau đó con sẽ cho cái Nga đèo xe đạp thêm nửa bao tải nữa. Mẹ cứ để phía sau, thấy rổ rau gần hết thì lấy từ bao tải ra ít mớ, coi như bán rau nhà mình” - cô con dâu bày mưu cho bà như vậy.

Dù cũng hơi “lăn tăn” với cách làm ăn mới mẻ như vậy, nhưng thấy con dâu nói bùi tai, lại có thêm tiền, bà Thao cũng “thử” một lần xem sao. Kết quả ngoài mong đợi. Hàng rau của bà vẫn bán hết veo. Thế là bà không thể cưỡng lại trước cách bán hàng “sáng tạo” ấy! Tuy nhiên, việc kinh doanh buôn bán giữa làng giữa chợ sao có thể che được mắt thế gian. Bà con hàng xóm, trong đó có chị gái tôi, phát hiện ra cách làm ăn không thật của bà. Họ rỉ tai nhau rằng, bà Thao đã bán lẫn cả rau nhà trồng với rau đi… mua ở nơi khác về (không rõ nguồn gốc xuất xứ, có hiện tượng bị phun thuốc sâu, bón hóa chất). Vì vậy, bây giờ chỉ những ai không biết mới mua rau nhà bà, còn lại mọi người tránh xa, có mua cũng tìm đến tận vườn. Rau bán ở chợ bị ế cũng là vì thế!

Cũng chẳng biết tự bao giờ, cái thương hiệu “rau sạch bà Thao” ở làng tôi đã bị hiểu sang một nghĩa khác, giống như kiểu buôn gian bán lận vậy.

NHẤT NGÔN