Về công tác cải cách TTHC và cải thiện môi trường kinh doanh, năm qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), các cơ quan bộ, ngành triển khai kết nối 5 TTHC với cơ chế một cửa quốc gia, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu. Bộ Công Thương cũng đã mở rộng triển khai 26 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 và hầu hết các TTHC công của Bộ Công Thương đã được triển khai thành các dịch vụ công trực tuyến. Theo phương án tổng thể cải cách TTHC năm 2017, Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ 15 TTHC, đơn giản hóa 108 TTHC trong tổng số 443 TTHC thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương (tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng số TTHC hiện có).
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm của bộ trong năm 2017 là tiếp tục nỗ lực cải cách TTHC, kiện toàn thể chế, trong đó có những nội hàm cụ thể đã được thể hiện trong thời gian qua về Chính phủ kiến tạo, hành động. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, một môi trường kinh doanh thuận lợi là phải giải phóng tối đa lực lượng sản xuất, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp bình đẳng có thể tiếp cận thị trường, khai thác các nguồn lực của quốc gia để phục vụ cho việc phát triển đất nước về mặt kinh tế cũng như đóng góp về mặt xã hội.
Trong số những văn bản được Bộ Công Thương rà soát, loại bỏ trong thời gian qua phải kể đến việc bãi bỏ quy hoạch thương nhân trong việc xuất khẩu gạo tại Quyết định số 6139/QĐ-BCT. Theo quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo gồm có: Quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo.
Đây được xem là bước đi tiên phong trong việc “cởi trói” cho hạt gạo trên thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, sức cạnh tranh yếu, sản lượng sụt giảm, việc xóa bỏ những thủ tục gây khó, không còn phù hợp với thực tế là vấn đề cấp thiết, nhằm tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, cũng như tiếp cận thị trường tốt hơn. Thực tế cho thấy, trong thời gian khá dài việc xuất khẩu gạo bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục và điều kiện, khiến cho doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, dẫn đến sức cạnh tranh yếu. Việc bãi bỏ các tiêu chí, điều kiện này đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo và tăng cường tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân...
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng vừa “giải phóng” cho các mặt hàng dệt may, da giầy bằng việc bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may "than" khổ vì quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc kiểm tra này ảnh hưởng lớn đến hai ngành sản xuất, xuất khẩu lớn của Việt Nam, với hàng nghìn doanh nghiệp, hàng triệu lao động là dệt may và da giày. Thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy, chỉ có một tỷ lệ nhỏ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định. Hơn nữa, cơ quan chức năng cũng chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khỏe do hàm lượng formaldehyte cao quá mức quy định. Trong khi đó, 7 năm qua, doanh nghiệp phải trả chi phí hàng trăm tỷ đồng cho việc kiểm tra và thời gian thông quan hàng hóa kéo dài...
Không chỉ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, Bộ Công Thương thời gian qua còn có nhiều biện pháp hữu hiệu để bảo hộ cho những sản phẩm sản xuất trong nước, tránh bị các mặt hàng nhập khẩu “ép” trên thị trường qua đó góp phần kích cầu sản xuất trong nước phát triển, kiềm chế nhập siêu... Điển hình là việc Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép, thép dài nhập khẩu vào Việt Nam và áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam.
Với quyết tâm là Bộ đi đầu trong xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính, trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát để điều chỉnh, hoàn thiện các quy định quản lý trong lĩnh vực được giao nhằm thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
MINH MẠNH - THÙY DUNG