 |
Cán bộ Trung tâm phục hồi dữ liệu điện tử Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đang tác nghiệp, truy tìm dấu vết tội phạm. Ảnh: NDĐT.
|
QĐND - Bạn đọc Đỗ Bích Thủy ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An hỏi: Xin tòa soạn cho biết, hiện nay ở nước ta có quy định nào về phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao?
Trả lời: Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 25/2014/NĐ-CP để hướng dẫn các nội dung về phòng, chống tội phạm về công nghệ cao. Trong đó công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về vấn đề phòng chống tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là với doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, dịch vụ Internet, viễn thông; tầng lớp thanh thiếu niên… sẽ được đẩy mạnh.
Cụ thể tại Điều 6, Chương 2 quy định rất rõ: Chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao trong việc bảo vệ và giữ gìn an ninh, trật tự. Phương thức, thủ đoạn và nguy cơ, tác hại của tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Kiến thức, kỹ năng tự phòng, chống các nguy cơ của tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; kỹ năng ứng phó khi bị tấn công, xâm nhập trái phép vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao... Ngoài ra, còn quy định các biện pháp quản lý hành chính về an ninh, trật tự như theo dõi, kiểm tra nhân khẩu thường trú, tạm trú, tạm vắng, quản lý nhập cảnh, xuất cảnh cũng sẽ được tăng cường sử dụng như một công cụ phòng chống loại tội phạm này. Các cá nhân sẽ phải có trách nhiệm bảo vệ mật khẩu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình để tham gia với nhà nước phòng chống tội phạm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22-5-2014.