QĐND - Hôm nay (4-10), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sôi nổi hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”. Không phải đến bây giờ mà từ ngàn xưa ông cha ta luôn luôn coi công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là công việc hết sức quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác PCCC, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy sức mạnh của cả cộng đồng xã hội đối với công tác này. Đặc biệt, ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước về PCCC và ngày 4-10-2001, Luật PCCC chính thức có hiệu lực. Kể từ đó, ngày 4-10 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy” của Việt Nam.

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy. Ảnh minh họa: Báo Giao thông Vận tải

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, mà nòng cốt là lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, công tác PCCC trên địa bàn cả nước đã thu được những kết quả quan trọng. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2014, các đơn vị quân đội đã tham gia chữa cháy rừng hơn 250 vụ; chữa cháy nhà dân và cơ sở sản xuất gần 800 vụ; khắc phục sự cố cháy nổ, sập đổ công trình, sự cố hóa chất 36 vụ;… Sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị quân đội đã góp phần đáng kể cùng lực lượng công an và các địa phương giảm tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC được tăng cường. Ở nhiều địa phương, cơ sở, hoạt động PCCC đã đi vào nền nếp. Phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng được đẩy mạnh, phát triển sâu rộng, nhiều vụ cháy đã được cứu chữa kịp thời, hạn chế được thiệt hại về người và tài sản. Trung bình mỗi năm, công tác chữa cháy đã cứu và bảo vệ được lượng tài sản trị giá từ 3000 đến 5000 tỷ đồng... Những kết quả đó đã góp phần không nhỏ kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và mức độ thiệt hại do cháy nổ gây ra, góp phần tích cực đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, khó lường, nguy cơ cháy, nổ ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, do đó yêu cầu đặt ra với công tác PCCC ngày càng cấp thiết. Để đảm bảo an toàn PCCC, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân có rất nhiều việc phải làm. Hiệu quả công tác PCCC sẽ chẳng đi tới đâu, các lực lượng chức năng dẫu có trăm tay, nghìn mắt cũng khó mà hoàn thành nhiệm vụ nếu không huy động được sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để xảy ra cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại địa bàn mình quản lý. Với tinh thần ấy, trước hết phải nâng cao vai trò trách nhiệm đối với công tác PCCC của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nhất là cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “phòng cháy hơn chữa cháy”, các cơ quan, đơn vị cần chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn PCCC để kịp thời có giải pháp ngăn chặn từ xa những nguy cơ phát sinh cháy nổ, chống cháy lan, cháy lớn.

Ngày 3-9-2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BCA-BQP quy định chi tiết thi hành một số điều trong Nghị định số 78 của Chính phủ, quy định việc phối hợp giữa hai bộ trong tổ chức thực hiện công tác PCCC đối với cơ sở quốc phòng. Các cơ quan, đơn vị cần quán triệt và thực hiện nghiêm các nội dung trong thông tư. Đi đôi với đảm bảo an toàn PCCC ngay tại các cơ sở quốc phòng, để sẵn sàng sát cánh cùng lực lượng công an làm tốt công tác PCCC, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, các đơn vị quân đội chú trọng tổ chức huấn luyện nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, trang bị kỹ năng, chiến thuật chữa cháy cho cán bộ, chiến sĩ. Mặt khác, thông qua công tác dân vận, cán bộ, chiến sĩ quân đội cần tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC cả về bề rộng và chiều sâu, với các nội dung, biện pháp đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng, từng địa bàn. Cùng với tổ chức quán triệt, phổ biến theo chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xây dựng kế hoạch, lồng ghép nội dung PCCC vào chương trình giáo dục, các hoạt động sinh hoạt chính trị ở địa phương, ngành cơ sở nhằm tuyên truyền, trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác PCCC đến từng cán bộ, đảng viên và người dân.

Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và toàn xã hội. Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy” các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân hãy tích cực, chủ động và quyết tâm đề cao công tác phòng ngừa sự cố cháy nổ ở mọi lúc, mọi nơi; khi xảy ra sự cố, cần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời, linh hoạt và hiệu quả nhằm giảm tối đa thiệt hại. Tích cực hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy" là hành động thiết thực của chúng ta góp phần mang lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà và sự bình yên cho toàn xã hội.

QĐND