Sau 10 năm, Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sự thay da đổi thịt ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề đặt ra để Hà Nội có thể tận dụng được hết các lợi thế phát triển của mình.
Kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ
Trước thời điểm hợp nhất, TP Hà Nội có diện tích 921,8km2 với dân số chỉ hơn 3,4 triệu người (đăng ký hộ khẩu). Đến nay, diện tích của Thủ đô đã tăng lên 3.358,92km2 với 30 quận, huyện, thị xã; dân số lên tới 7,7 triệu người (gấp hơn 2,26 lần so với năm 2008). Thời điểm ngay sau sáp nhập, thành phố tiếp nhận không ít vùng đồi núi, xa trung tâm chưa phát triển, kết cấu dân cư có nhiều khác biệt; tỷ trọng nông nghiệp, dân số khu vực nông thôn lớn; đời sống của một bộ phận nhân dân vùng xa trung tâm, vùng miền núi còn khó khăn.
Sau 10 năm, kinh tế Thủ đô đã phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; không gian kinh tế được mở rộng, phát triển. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng bình quân 7,41%/năm, quy mô (GRDP) năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2008; GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng gấp 2,3 lần so với năm 2008. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, dịch vụ chiếm 57,6%; công nghiệp-xây dựng chiếm 29,7%, nông nghiệp chiếm 2,9%. Lĩnh vực công nghiệp của Hà Nội giai đoạn 2008-2017 tăng bình quân 8,61%/năm. Các tiến bộ mới về khoa học, công nghệ được áp dụng và nhân rộng như: Tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ nano... Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Thủ đô cũng đạt kết quả tích cực, giá trị gia tăng giai đoạn 2008-2017 tăng trung bình 2,68%/năm. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đẩy mạnh, việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp đã trở nên phổ biến tại các vùng sản xuất nông nghiệp. Một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục phát triển, như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin và truyền thông, du lịch,... Lĩnh vực thương mại tiếp tục được chú trọng phát triển, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 11,78 tỷ USD (gấp 1,7 lần năm 2008); tăng bình quân 8,79%/năm.
 |
Tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài là một trong những hình ảnh tiêu biểu của Hà Nội khi địa giới thành phố được mở rộng về phía Tây. Dọc hai bên đường là nhiều toà nhà cao tầng hiện đại. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục 5 năm liền kể từ năm 2012 (năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố và cao nhất từ trước tới nay). Hà Nội nằm trong tốp 10 thành phố năng động nhất thế giới.
Theo đánh giá của PGS, TS Nguyễn Thành Công, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, những kết quả trong thời gian qua cho thấy, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô bảo đảm không gian cho thành phố phát triển bền vững trong giai đoạn cả trước mắt cũng như trong tương lai lâu dài, để Hà Nội phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, xứng tầm là một thủ đô của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nông thôn đổi mới toàn diện và rõ rệt
Dẫn chứng về sự thay đổi của địa phương sau 10 năm, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho hay, trước khi sáp nhập vào Hà Nội, tỷ lệ hộ nghèo của 3 xã miền núi thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) là 21% và của toàn huyện Thạch Thất là 9,3%; đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn lần lượt là 1,9% và 1,18%. Huyện Thạch Thất phấn đấu đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,7%. Ngoài ra, với sự đầu tư, hỗ trợ từ thành phố, huyện cũng có điều kiện quan tâm hơn tới công tác xây, sửa nhà cho người có công, hộ nghèo. Tính đến hết năm 2017, huyện đã cơ bản hoàn thành công tác này với mức hỗ trợ bình quân là 65 triệu đồng/hộ.
Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn, ngay sau hợp nhất, thành phố rất chú trọng triển khai đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Ngân sách đầu tư cho các huyện ngoại thành được tăng cường: Tổng mức ngân sách hỗ trợ giai đoạn 2008-2018 đạt khoảng 18 nghìn tỷ đồng. Riêng đối với khối 14 huyện, thị xã của Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh, ngân sách thành phố đã hỗ trợ hơn 13 nghìn tỷ đồng (chiếm 72,2% vốn hỗ trợ khối huyện, thị xã). Năm 2017, vốn đầu tư dành cho khối này đạt gần 4 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 2,5 lần so với năm 2008 (khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng).
Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ từ thành phố, nhiều vùng quê đã thực sự khởi sắc. Mặc dù có diện tích lớn, có cả khu vực miền núi, nhưng Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến hết năm 2017, toàn thành phố đã có 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) và 294/386 xã (đạt 76,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều chỉ tiêu đạt kết quả ấn tượng, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân tính đến ngày 30-6-2018 đạt 43,1 triệu đồng/người, gấp 5,4 lần so với năm 2008 (8 triệu đồng/người).
Còn nhiều thách thức phía trước
Tại hội thảo góp ý vào Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm Hà Nội triển khai mở rộng địa giới hành chính, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, diện mạo Thủ đô đã thay đổi rõ nét, mạnh mẽ với bức tranh đô thị hiện đại, nhiều công trình tiêu biểu; đặc biệt là sự thay đổi mọi mặt ở vùng nông thôn của Thủ đô. Trong 10 năm qua, hàng loạt dự án hạ tầng lớn, hiện đại đã được hoàn thành như: Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài; đường vành đai 3 trên cao, đường Nhật Tân-Nội Bài, đường 5 kéo dài, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy... Thành phố cũng đang triển khai thi công các tuyến đường sắt đô thị Hà Đông-Cát Linh, Nhổn-ga Hà Nội, sau khi hoàn thành sẽ góp phần đáng kể giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô.
Tuy nhiên, đồng chí Cao Đức Phát cũng cho rằng, thành phố còn tập trung các hoạt động kinh tế nhiều vào trong nội đô, chưa hình thành được những khu đô thị vệ tinh để kéo giãn mật độ dân số trong nội thành. Điều đó thể hiện qua việc giao thông quá tải dẫn đến tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường còn tồn tại trong khu vực nội thành. Đồng chí Cao Đức Phát đề nghị Hà Nội nên có quy hoạch các khu đô thị tập trung; đô thị vệ tinh để giãn mật độ dân số ở khu vực trung tâm... Cùng quan điểm trên, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng, tồn tại sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính đó là việc hình thành nhiều khu đô thị nhưng chưa có khu đô thị nào đồng bộ, đủ thu hút dân cư, góp phần giải tỏa, gánh đỡ cho nội đô.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành kiến nghị cần đánh giá việc quản lý về sử dụng đất đai trong 10 năm qua, đồng thời, cần tập trung đầu tư hơn nữa để hồi sinh các con sông trên địa bàn; đầu tư các trạm quan trắc môi trường, có giải pháp bảo đảm không khí trong lành. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra việc phát triển Thủ đô sau mở rộng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, nhất là về không gian phát triển và nguồn lực đất đai, nguồn lực con người. Thành phố chưa tận dụng hết cơ hội do hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; chưa phát huy hết nguồn lực, thế mạnh về vốn, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường lao động của Thủ đô.
Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội Nguyễn Thành Công, mục tiêu trọng tâm của thành phố thời gian tới là trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của vùng, cả nước và khu vực. Thành phố cần phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp tập trung, chuyên canh, công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt là phát triển nhân lực chất lượng cao và tiềm lực khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.
NGUYỄN TUẤN VŨ