Lỏng lẻo trong phối hợp điều hành thị trường xăng dầu

Nghị định số 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-2014 và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2-1-2022 của Chính  phủ về kinh doanh xăng, dầu đã quy định rõ trách nhiệm đối với từng bộ, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan. Theo đó, ngoài Bộ Công Thương, hiện có 5 bộ, ngành, đơn vị và chính quyền 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng tham gia quản lý, cung ứng xăng, dầu.

Trong đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm chính quản lý về nguồn cung, thị trường, quản lý hoạt động của doanh nghiệp... Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính trong quản lý về giá, cách tính các loại chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy về cảng, premium trong nước, thuế phí liên quan, hướng dẫn việc quản lý, trích  lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu....; Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bảo đảm lưu thông; quản lý chất lượng xăng, dầu là Bộ Khoa học và Công nghệ; quản lý môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) chủ trì, phối hợp công tác phòng, chống buôn lậu trong lĩnh vực xăng, dầu; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cấp phép và quản lý trực tiếp hệ thống tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng, dầu...

Tình trạng thiếu xăng, dầu diễn ra cục bộ ở các tỉnh, thành phố kéo dài trong thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy với nền kinh tế nhưng do hiện nhiều bộ, ngành cùng quản lý mặt hàng xăng, dầu nên “quả bóng trách nhiệm” trong quản lý kinh doanh, cung ứng xăng, dầu cứ đẩy tới, đẩy lui giữa các đơn vị, đặc biệt là giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Nguyên nhân là do Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ bảo đảm cung-cầu thị trường, nhưng liên quan đến công thức tính giá xăng, dầu-cơ sở quan trọng để tạo nguồn-thì lại giao trách nhiệm chính cho Bộ Tài chính quản lý. Thực tế cho thấy, vướng mắc lớn nhất trên thị trường xăng, dầu thời gian qua là việc chi phí kinh doanh giá xăng, dầu chưa được tính đúng, tính đủ vào giá cơ sở, doanh nghiệp thua lỗ và gặp nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Gia Lai tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn. Ảnh: XUÂN QUANG

PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhìn nhận, khả năng phối hợp và điều hành thị trường xăng, dầu của liên Bộ Công Thương-Tài chính chưa thực sự hiệu quả, còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, khiến cho doanh nghiệp gặp khó, thị trường thiếu nguồn cung cục bộ.

“Cho nên cần lưu ý và rút kinh nghiệm, trong công tác điều hành, cần phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Nếu chỉ chú ý đến lợi ích của Nhà nước và người tiêu dùng để bảo đảm mục tiêu kinh tế vĩ mô, tránh biến động các yếu tố làm ảnh hưởng đến chỉ số giá và lạm phát cũng sẽ tạo ra sự bất lợi đối với các doanh nghiệp và hệ lụy là sự bất ổn của thị trường”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Nghiên cứu giao toàn diện vấn đề xăng, dầu về Bộ Công Thương

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu theo hướng giao toàn diện vấn đề xăng, dầu về cho Bộ Công Thương quản lý, kể cả quyết định giá và chi phí định mức nhằm bảo đảm chủ động vấn đề nguồn cung.

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất trên, bởi lẽ việc chuyển quản lý xăng, dầu về một đầu mối bộ, ngành sẽ tránh được sự chồng chéo, tạo sự chủ động hơn trong công tác điều hành. Điều này cũng phù hợp với định hướng trong việc sửa đổi Luật Giá. Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Giá (sửa đổi) theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là các bộ, ngành, địa phương, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý giá.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đánh giá, đề xuất giao cho Bộ Công Thương quản lý tất cả về mặt xăng, dầu là hợp lý. Việc này sẽ giảm tải cho cơ quan đầu mối quản lý về giá là Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, đối với từng mặt hàng cụ thể, Bộ Tài chính không thể quản lý sâu sát, đầy đủ như từng bộ, ngành quản lý từng mặt hàng được.

Ngoài việc minh bạch hóa trong điều hành, quản lý kinh doanh xăng, dầu, đề cập tới giải pháp lâu dài ổn định thị trường xăng, dầu, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đặc biệt quan tâm tới dự trữ xăng, dầu quốc gia. Trong khi nguồn cung trong nước mới đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu xăng, dầu trong nước, việc gia tăng dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia đối với xăng, dầu là điều vô cùng quan trọng, tạo nền tảng bảo đảm cho an ninh năng lượng quốc gia.

Nêu quan điểm về vấn đề này, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, về lâu dài, để thị trường xăng, dầu vận hành tốt, cần thực hiện tăng dự trữ lên 3-6 tháng nhằm tăng khả năng đối phó với những diễn biến khó lường của giá thế giới. Nguồn xăng dự trữ này sẽ được quản lý bởi doanh nghiệp thuộc Nhà nước. Theo đó, phải đầu tư một cơ sở hạ tầng riêng, phải có hệ thống kho bãi đạt chuẩn chứ không thể hoàn toàn trông cậy vào các doanh nghiệp đầu mối.

Ngày 9-11, Bộ GTVT cho biết, Bộ đã có văn bản gửi sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức giao thông trên địa bàn, hỗ trợ công tác bảo đảm nguồn cung xăng, dầu trên thị trường nội địa. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị các sở GTVT phối hợp với sở, ngành địa phương tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan, lực lượng chức năng của địa phương trong công tác phân luồng, hướng dẫn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển xăng, dầu lưu thông. 

VŨ DUNG