Bò sữa đổ bệnh và chết hàng loạt sau khi tiêm vắc-xin
Xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng nổi tiếng với nghề chăn nuôi bò sữa. Một miền thảo nguyên bát ngát với những trang trại nuôi bò và đồng cỏ xanh tốt quanh năm luôn gợi cảm giác thanh bình, trú phú. Tuy nhiên, những ngày này, đến với xã Tu Tra, chúng tôi cảm nhận rõ không khí nặng nề, lo lắng của nhiều hộ gia đình khi toàn bộ “cơ nghiệp” của họ đang đứng trước nguy cơ tiêu tán.
Ông Nguyễn Minh Đệ, một người nuôi bò sữa ở thôn Lạc Nghiệp, xã Tu Tra cho biết, ngày 20-7, đàn bò nhà ông được tiêm vắc-xin. Sau khi tiêm khoảng 1 tuần, nhiều con bị bệnh tiêu chảy, đến nay có 8 con bò trưởng thành đã chết, nhiều con khác bị ốm nặng với các triệu chứng như tiêu chảy, thổ huyết, sẩy thai. Gia đình ông Nguyễn Thanh Phong ở thôn Kinh Tế Mới, xã Tu Tra có 32 con bò thì tất cả số bò sau khi tiêm vắc-xin cũng đều bị bệnh, đến nay có 3 con chết, 3 con đang bệnh nặng, 6 con phát bệnh trở lại sau thời gian điều trị. “Ngoài việc thất thu do bò bị bệnh, không có sữa để bán, mỗi ngày gia đình phải chi vài triệu đồng để mua thuốc men cứu chữa cho những con bò đang ốm. Khó càng thêm khó” - ông Nguyễn Thanh Phong than thở.
Tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, mỗi chuồng bò của các hộ dân giờ đây giống như phòng bệnh dã chiến. Những con bò bệnh nằm thoi thóp, thân được nối chằng chịt những sợi dây chuyền, chai đạm, các lọ thuốc kháng sinh. Bà Lê Thị Ánh Hồng, chủ một hộ nuôi bò sữa rơm rớm nước mắt kể: “26 con bò sữa của gia đình tôi được địa phương hỗ trợ tiêm vắc-xin, 2 con bê nhỏ không tiêm. Sau 7 đến 10 ngày tiêm, đàn bò bị tiêu chảy, sốt, bỏ ăn, lượng sữa sụt giảm, kiệt sức... Riêng 2 con bê không tiêm nên bình thường. Đến nay có 4 con đã chết, 2 con tắc sữa, nhiều con ốm nặng. Ngày hôm nay tôi đã phải mua 3 triệu đồng tiền thuốc về cứu bò, mong sao đàn bò hồi sức, toàn bộ vốn liếng gia đình đều trông chờ vào chúng cả”.
|
|
Bò sữa bị bệnh được điều trị tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
|
Cách đó không xa, trang trại bò sữa của gia đình bà Đỗ Thị Thu Nga có quy mô lớn nhất với số lượng lên tới 100 con cũng đang lâm nguy. “Mỗi ngày, đàn bò cho gần 800kg sữa nhưng giờ đây nguồn sữa đã bị gián đoạn do bò đổ bệnh. Vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm cách cứu đàn bò. Ngoài 4 con bò sữa đang mang bầu vẫn khỏe mạnh vì chưa tiêm vắc-xin, hầu hết số bò tiêm vắc-xin của chúng tôi đều ngã bệnh, có 2 con đã chết, 1 con sẩy thai, vài con đang lừ đừ, bỏ ăn và đang được cách ly”, bà Nga than thở.
Đến ngày 16-8, toàn tỉnh Lâm Đồng có 5.739 con bò bị bệnh tiêu chảy, trong đó có 291 con bị chết, tập trung tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và thành phố Bảo Lộc. Toàn bộ số bò bị mắc bệnh tiêu chảy và chết đều đã tiêm vắc-xin VDNC Navet-Lpvac, một loại vắc-xin chuyên trị bệnh u da nổi cục trên đàn gia súc của Công ty cổ phần Thuốc Thú y Trung ương (Navetco) cung cấp. Những con bò không tiêm vắc-xin vẫn khỏe mạnh. Việc đàn bò sữa tại Lâm Đồng đổ bệnh và chết hàng loạt sau khi tiêm vắc-xin được xem là hiện tượng bất thường của ngành chăn nuôi và đang đẩy nhiều hộ nông nuôi bò sữa tại địa phương đứng trước nguy cơ nợ nần, phá sản.
|
|
Bò sữa chết được mang đi tiêu hủy. |
Dừng tiêm vắc-xin, tập trung cứu chữa đàn bò
Trước tình hình bệnh tiêu chảy diễn biến phức tạp sau khi tiêm vắc-xin, tỉnh Lâm Đồng đã cho dừng toàn bộ việc tiêm vắc-xin trên đàn bò sữa, đồng thời huy động nhân lực, thuốc men, phương tiện để điều trị, cứu chữa đàn bò sữa bị bệnh tiêu chảy (trước đó, toàn tỉnh đã tiêm phòng loại vắc-xin trên cho hơn 9.120 con bò sữa, chiếm 37,3% tổng đàn bò sữa của tỉnh).
|
|
Loại vắc-xin dùng để tiêm cho đàn bò sữa tại Lâm Đồng trong thời gian qua. |
Ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện tỉnh Lâm Đồng đang duy trì 147 người tham gia điều trị bò bị bệnh. Ngoài ra, còn có 465 người ở các xã, huyện tham gia phòng, chống dịch và tiêu hủy bò bị chết. Toàn tỉnh Lâm Đồng đã huy động, tiếp nhận, tổ chức cấp phát 60.856 lọ dịch truyền các loại; 10.180 chai Vitamin C và Bcomplex; 3.970 chai thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau; 993 gói điện giải… để hỗ trợ điều trị bò bị bệnh; tăng cường công tác tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra tình trạng bán chạy, vận chuyển, giết mổ bò bị bệnh.
Trước đó, vào ngày 10-8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã vào Lâm Đồng kiểm tra và chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa. Đồng chí thứ trưởng đã yêu cầu các cơ quan trung ương cùng địa phương nhanh chóng triển khai mọi giải pháp để cứu chữa gia súc bị tiêu chảy, hạn chế thấp nhất thiệt hại, cũng như tránh để bệnh lan rộng, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ngày 16-8, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang về bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tỉnh Lâm Đồng. Theo đó kết quả xét nghiệm 24/24 lọ vắc xin NAVET-LPVAC, do Công ty Navetco cung cấp cho tỉnh Lâm Đồng để tiêm cho đàn bò đều dương tính với Pestivirus. Đây là virus có khả năng gây bệnh tiêu chảy trên bò.
|
|
Kiểm tra, chăm sóc bò sữa bị bệnh tại Lâm Đồng. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi ban hành, thực hiện phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Cục thú y và sự nỗ lực của người dân, đến nay, tình trạng bò chết có xu hướng giảm dần. Hy vọng đàn bò sữa tại Lâm Đồng sẽ qua cơn bĩ cực và quyền lợi của người nuôi sẽ được bảo đảm sau khi có kết luận cuối cùng từ phía cơ quan chức năng về nguyên nhân dẫn tới bò bị bệnh và chết tại Lâm Đồng.
Bài, ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.