Quê hương anh hùng "thay da, đổi thịt"

Chúng tôi vừa có dịp về thăm Hoa Lư, mảnh đất có truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm, nơi đã từng là kinh đô của ba triều đại Nhà Đinh, Nhà Tiền Lê và Nhà Lý thế kỷ 10 và cũng là hậu cứ của nhà Trần trong cuộc Kháng chiến chống quân Nguyên-Mông xâm lược. Tại sân nhà văn hóa khang trang của xóm Ninh Viên, xã Ninh Mỹ (đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân), chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Tuệ (78 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm, ông phấn khởi, khoe: “Mấy năm qua, kể từ khi triển khai xây dựng NTM, cảnh quan quê hương và đời sống nhân dân ngày càng tốt lên rõ rệt. Đường được mở rộng, các công trình văn hóa, trường học được xây dựng sửa sang, trở nên đẹp đẽ, khang trang hơn. Bà con ai cũng vui mừng”.

Theo ông Nguyễn Sỹ Trí, Bí thư Huyện ủy Hoa Lư, sau gần 6 năm triển khai thực hiện (2011-2016), được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ của các doanh nghiệp và những người con của quê hương trên mọi miền đất nước, đến nay, huyện Hoa Lư đã đạt được những kết quả to lớn. Đã hoàn thành việc xây dựng NTM cấp xã, cấp huyện: 100% số xã đạt chuẩn NTM với 19 tiêu chí theo quy định, cụ thể: Năm 2014 có 1 xã đạt chuẩn NTM; năm 2015 có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM và đến tháng 7-2016 có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM.

Để đạt được những thành quả trên, cấp ủy, chính quyền huyện Hoa Lư đã có những chính sách cụ thể như: Hỗ trợ các xã làm nhà văn hóa với số tiền 500 triệu đồng/nhà; huy động, lồng ghép các nguồn lực để kiên cố hóa, xây dựng trường, lớp học. Hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn với kinh phí 420.000 đồng/ha, năng suất lúa bình quân hiện nay đạt 62 tạ/ha, giá trị sản phẩm đạt 86 triệu đồng/ha (tăng 16 triệu đồng/ha so với năm 2010). Sản xuất lúa chất lượng cao chiếm hơn 40% tổng diện tích gieo trồng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản được duy trì và phát triển như: Dê núi, vịt, ba ba, cá trắm đen… Giá trị chăn nuôi, thủy sản đạt hơn 200 tỷ đồng hằng năm, chiếm hơn 40% giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản. Các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển khá với các sản phẩm như: Vật liệu xây dựng, xi măng, chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, may xuất khẩu cho thu nhập bình quân 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, dịch vụ du lịch của huyện cũng đang phát triển tốt khi cho thu nhập trung bình 3-5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, thu nhập bình quân năm 2016 của người dân Hoa Lư đã đạt hơn 33 triệu đồng/người, cao hơn so với những năm 2010-2011 (khoảng 20 triệu đồng/người).

leftcenterrightdel
Trẻ em vui chơi trước sân Nhà văn hóa xóm Ninh Viên, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. 

"Khó vạn lần dân liệu cũng xong"

Đúng như lời Bác Hồ đã từng căn dặn: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Huyện Hoa Lư có các xã: Ninh Xuân, Ninh Hòa, Ninh Mỹ... hoàn thành xây dựng NTM vượt trước thời hạn theo đề án từ 2 đến 3 năm, mà nguyên nhân chính quyết định thành công là lòng dân. Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ninh Mỹ chia sẻ, khi bắt đầu thực hiện đề án NTM, xã gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở hạ tầng và nhận thức của người dân do chưa hiểu nội dung, ý nghĩa của xây dựng NTM. Tuy nhiên, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đề án phát triển NTM đã tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc xây dựng đề án phù hợp, có chính sách khuyến khích, kích cầu nhằm huy động được tối đa các nguồn lực trong cộng đồng dân cư và phù hợp với điều kiện của từng địa phương cũng là điều quan trọng góp phần vào sự thành công này.

Với mục tiêu xây dựng NTM phát triển bền vững, lãnh đạo huyện Hoa Lư nhấn mạnh, quyết tâm sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương trong huyện tập trung đầu tư, củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt về giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm...  bảo đảm tính kết nối với các xã, với tỉnh, vùng và trung ương. Đồng thời, bảo đảm tốt công tác quản lý, sử dụng các công trình cơ sở vật chất về văn hóa, y tế, giáo dục nhằm khai thác có hiệu quả công năng sử dụng; có cơ chế huy động nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng, duy trì hoạt động của các công trình. Bên cạnh đó, ưu tiên tập trung phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nhằm nâng cao chất lượng về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Bài và ảnh: TRƯỜNG GIANG - LÊ HIẾU