Mất cảnh giác là gặp hàng giả, hàng nhái

Hoạt động mua bán qua các sàn thương mại điện tử, qua mạng xã hội cũng như qua các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động tăng mạnh trong những năm gần đây, trở thành thói quen của nhiều người, nhất là giới trẻ. Chỉ cần ở nhà với chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể mua đủ mọi sản phẩm hàng hóa, từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thiết bị đồ dùng gia đình đến đồ công nghệ, điện tử, sách, hoa, quà tặng, thực phẩm...

Theo Bộ Công Thương, nếu như năm 2018, doanh thu TMĐT bán lẻ cả nước là 8 tỷ USD thì năm 2019 đạt 10,8 tỷ USD. Năm 2022, con số này là 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Năm 2023, TMĐT tăng trưởng tới 25%, đạt 20,5 tỷ USD.

Chị NTL ở phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) là một người thường xuyên mua sắm qua mạng. Trao đổi với chúng tôi, chị NTL bày tỏ: “Mua online tiện thì rất tiện nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro, mất cảnh giác là gặp ngay hàng giả, hàng nhái...”.

leftcenterrightdel
 Nhân viên chờ giao hàng cho khách mua hàng qua sàn thương mại điện tử.

Chị NTL chia sẻ câu chuyện cách đây không lâu, chị mua phải lọ nước tẩy trang Bioderma nhái trên một sàn TMĐT khá nổi tiếng. Chuyện là chị quen sử dụng loại nước tẩy trang này và thường mua với giá hơn 500.000 đồng/lọ. Tuy nhiên, trong một lần “đi chợ mạng”, thấy một sàn TMĐT quảng cáo bán với giá chưa đầy 100.000 đồng/lọ, mặc dù nghi ngờ nhưng chị vẫn đặt mua với hy vọng sản phẩm nằm trong chương trình khuyến mãi, giảm giá. Thế nhưng sau khi nhận hàng, chị mới biết đây là hàng nhái...

Trường hợp mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như chị NTL không phải hiếm gặp bởi hiện nay, việc quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn TMĐT cũng như qua các kênh bán hàng online gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới hàng giả, hàng nhái vẫn còn “đất sống”.

Đơn cử như tại Hà Nội, mới đây, lực lượng chức năng đã kiểm tra kho hàng của chủ tài khoản Mailystyle.com ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội), phát hiện một lượng lớn sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đáng nói, tài khoản này có hàng triệu người theo dõi, có ngày “chốt” tới hàng nghìn đơn hàng. Trước đó, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9 (Cục QLTT TP Hà Nội) kiểm tra một kho hàng tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, phát hiện hơn 28.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, đồ gia dụng... không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Chủ hàng khai nhận, toàn bộ số hàng này được phân phối bán online... Theo Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội, trong 3 năm (2020-2023), các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ gần 6.600 vụ lợi dụng TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...

Cần giải pháp đồng bộ

Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng hàng giả, hàng nhái trong TMĐT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29-3-2023 phê duyệt “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025”.

Nhằm góp phần thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg, vừa qua, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) đã tổ chức các hội thảo về phòng, chống và xử lý vi phạm trong TMĐT trên địa bàn cả nước. Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong TMĐT” cho 21 cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam được tổ chức cuối tháng 11-2023, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhấn mạnh, thực tế cho thấy, quá trình kiểm soát, xử lý vi phạm trong TMĐT gặp rất nhiều khó khăn do không xác định được địa điểm mua bán, chứng cứ dễ thay đổi, việc thanh toán qua trung gian khiến quá trình truy vết gặp khó khăn...

Do vậy, cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó, trách nhiệm trước hết thuộc về lực lượng QLTT, đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng khác và chính bản thân các sàn TMĐT.

Vai trò của các sàn TMĐT trong phòng, chống hàng giả, hàng nhái là rất quan trọng. Thời gian qua, một số sàn TMĐT đã triển khai nhiều giải pháp chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khá hiệu quả như: Giữ số tiền giao dịch giữa người mua và người bán cho đến khi đơn hàng hoàn tất, khoản tiền này chỉ được thanh toán cho người bán nếu người mua không có khiếu nại trong một thời gian nhất định; triển khai cơ chế để khách hàng có thể báo cáo vi phạm về hàng giả, hàng nhái...

Nên chăng, thời gian tới, cần có các quy định cụ thể và mang tính pháp lý để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sàn TMĐT trong công tác này. Cùng với việc kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, một giải pháp cần thiết nữa là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của người tiêu dùng, để người tiêu dùng có thể nhận biết được hàng giả, “nói không” với các loại hàng nhái thương hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Bài và ảnh: PHƯƠNG HIỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.