QĐND - Đó là ý kiến chung của nhiều bạn đọc Báo Quân đội nhân dân nhân khi trao đổi về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2015). Báo Quân đội nhân dân xin trân trọng giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này.

 

 Đồng chí Lê Quang Tự Do.

Đồng chí Lê Quang Tự Do, Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:
Giúp giới trẻ học tập Bác Hồ có chiều sâu hơn


Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, chúng tôi đã xây dựng một đề án mang tên: “Giáo dục đạo đức lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên” giai đoạn 2013-2020. Trong đề án giáo dục này, chúng tôi tập trung giáo dục về lý tưởng, đạo đức lối sống, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hai năm qua, chúng tôi đã tiến hành nhiều chương trình cụ thể. Hằng năm, đến ngày sinh của Bác, chúng tôi sẽ tổ chức sinh hoạt chính trị “Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn” và các hoạt động tuổi trẻ làm theo lời Bác. Những buổi sinh hoạt này đã giúp giới trẻ càng hiểu và nhớ Bác hơn, làm theo Bác nhiều hơn, thiết thực và hiệu quả hơn. Cứ đến ngày 19-5, các đoàn viên sẽ gửi đến Ban Chấp hành bản đăng ký những việc mình sẽ làm trong năm tới. Đến ngày 19-5 năm sau, tất cả sẽ ngồi cùng lại với nhau, tự soi lại bản thân xem trong năm vừa qua đã làm được gì và chưa làm được gì?

Chúng tôi cũng có rất nhiều mô hình học tập và làm việc theo tấm gương của Bác như: Tổ chức hoạt động tuyên dương gương người tốt-việc tốt, tấm gương điển hình để đoàn viên thanh niên noi theo; thầy thuốc trẻ đi khám, chữa bệnh cho người nghèo; thanh niên công an đi làm chứng minh thư cho đồng bào vùng sâu, vùng xa... Tuy nhiên, giáo dục giới trẻ cũng cần phải đổi mới, tìm ra hình thức sinh động phù hợp tâm lý tuổi trẻ. Chúng tôi sẽ cố gắng để việc giáo dục giới trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có hiệu quả và chiều sâu hơn nữa.

HUYỀN TRANG (ghi)

 Thạc sĩ Hoàng Thị Lệ Hà.

Thạc sĩ Hoàng Thị Lệ Hà, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa:
Phát triển kinh tế biển, đảo theo lời dạy của Bác


Tỉnh Khánh Hòa có vùng biển rộng với đường tiếp giáp bờ biển dài gần 385km, hơn 200 hòn đảo lớn ven bờ và đặc biệt là quần đảo Trường Sa; nhiều vịnh, đầm, bến bãi với 3 vịnh nổi tiếng là: Vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang và vịnh Cam Ranh với 5 thương cảng, 55 bến bãi, 49 xã phường, thị trấn trong khu vực biên giới biển… Những điều kiện tự nhiên đó đã mang lại cho Khánh Hòa nhiều thế mạnh và tiềm năng phát triển kinh tế biển, đảo.

Thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”, tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp cùng các cơ quan Trung ương ở trong và ngoài tỉnh, hợp tác quốc tế phát triển hoạt động nghề cá với các ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; hoạt động dịch vụ du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng; các hoạt động hàng hải như cảng hàng hóa, đóng tàu, cơ khí, kho xăng dầu ngoại quan, trung chuyển dầu khí, các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển; khai thác ở ngư trường gắn với đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá... Đến nay, tỉnh Khánh Hòa là một trong những trung tâm phát triển thủy sản, trong đó đã kết hợp phát triển kinh tế biển, quản lý biển, đảo với củng cố quốc phòng và an ninh, chính trị, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển. Thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục hoàn chỉnh dịch vụ hậu cần nghề cá làm cơ sở vững chắc để bảo đảm khai thác thủy sản xa bờ; xây dựng và thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội theo hướng phát triển khai thác hải sản, du lịch, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

ĐỨC TUẤN (ghi)

 Trung tá, TS Nguyễn Xuân Sinh.

Trung tá, TS Nguyễn Xuân Sinh, Khoa Sư phạm Quân sự, Học viện Chính trị:
Phát triển, hoàn thiện phẩm chất nhân cách Bộ đội Cụ Hồ


Hơn 70 năm qua, danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ đã ra đời một cách tự nhiên, đi vào đời sống và lịch sử đất nước trở thành một trong những giá trị tiêu biểu của thời đại mới. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Để hình tượng đó ngày càng tỏa sáng trong tình hình mới, cần phải tiếp tục có sự phát triển, hoàn thiện.

Trong giai đoạn hiện nay, phẩm chất “Trung với nước, hiếu với dân” của Bộ đội Cụ Hồ được biểu hiện bằng cuộc sống thường ngày như: Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước... Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ cùng ăn, cùng ở, cùng làm giúp dân trong thiên tai, khắc phục tai nạn lao động, dạy chữ cho học sinh vùng biên giới, hải đảo, gắn bó máu thịt với nhân dân cần luôn được phát huy.

KIÊN THÁI (ghi)

 Em Nguyễn Khánh Linh

Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh Lớp 8, Trường THCS Lê Lợi, quận Hà Đông, TP Hà Nội:
Thêm những điểm 9, điểm 10 dâng lên Bác

Trong năm học vừa qua, Trường THCS Lê Lợi của chúng cháu đã phát động cuộc thi tìm hiểu về lịch sử "Em yêu Việt Nam", trong đó có phần tìm hiểu về Bác Hồ kính yêu; tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ và buổi chào cờ đầu tuần vừa qua đã tổ chức Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác. Qua những hoạt động đó, chúng cháu đã hiểu sâu sắc hơn về công lao to lớn, sự hy sinh cùng những lời dạy của Bác Hồ.

Cháu đã luôn chịu khó học tập để giành được những điểm 9, điểm 10 và hăng hái trong các buổi học ngoại khóa, giơ tay phát biểu xây dựng bài; đồng thời giúp đỡ bố mẹ công việc nhà và dạy em gái học bài. Đợt vừa qua cháu đã được một giải ba Toán giao lưu học sinh giỏi cấp quận, một giải khuyến khích thi Violympic Toán cấp quận. Thành tích nhỏ này chưa phải là cao nhưng cháu xin hứa sẽ cố gắng luyện rèn để có kết quả tốt hơn nữa kính dâng lên Bác Hồ trong lần sinh nhật sau của Người.

KIM DUNG (ghi

 Anh Nguyễn Tuấn Anh

Anh Nguyễn Tuấn Anh, tổ 2, phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc:
Đồng bào các dân tộc luôn đoàn kết


Là thế hệ sinh sau năm 1975, chúng tôi được sống trong hòa bình, hạnh phúc và no ấm. Tôi biết, để đất nước có được hòa bình, thống nhất, toàn dân được hưởng tự do chính là thành quả của cuộc đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh của biết bao thế hệ cha ông đi trước. Sinh thời, Bác Hồ cũng rất quan tâm và căn dặn đồng bào các dân tộc phải đoàn kết với nhau, cảnh giác không để kẻ xấu chia rẽ. Bác dạy: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là con em ruột thịt, chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Những năm gần đây, trên địa bàn Tây Nguyên đây đó vẫn xuất hiện âm mưu của kẻ xấu kích động, chia rẽ đồng bào. Vì vậy, chúng tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm vận động nhân dân tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc từ cơ sở.

ĐỨC THỊNH (ghi)