Cung ứng đủ điện cho đất nước

Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN: Với vai trò chủ lực trong ngành năng lượng, EVN đã hoàn thành vượt kế hoạch sản xuất, cung ứng điện năm 2018 được Chính phủ giao, bảo đảm điện phục vụ phát triển KT-XH và đời sống của nhân dân. Sản lượng điện sản xuất và mua năm 2018 đạt 212,9 tỷ kWh vượt kế hoạch 2,4 tỷ kWh và tăng 10,36% so với năm 2017. Thị trường phát điện cạnh tranh được vận hành theo đúng quy định. Đến cuối năm 2018 có 90 nhà máy điện với tổng công suất 23.054MW (chiếm 52,6% tổng công suất toàn hệ thống) trực tiếp tham gia thị trường điện. Tổng công suất nguồn điện lên tới 48.200 MW, có quy mô đứng thứ 30 trên thế giới và thứ hai khu vực Đông Nam Á.

Sửa chữa điện ở Công ty Điện lực Đắc Nông.

Lãnh đạo EVN cũng thông tin, năm 2018 ghi dấu ấn đặc biệt với việc hoàn thành mục tiêu đưa điện về 100% số xã và hơn 99% số hộ dân cả nước được sử dụng điện lưới quốc gia. Điện cũng đã thắp sáng 11/12 huyện đảo trên cả nước. Bên cạnh đó, công tác dịch vụ khách hàng của EVN đạt cấp độ 4 về dịch vụ một cửa trực tuyến quốc gia. EVN trở thành doanh nghiệp nhà nước đầu tiên tiên phong về lĩnh vực này… “Tất cả những nỗ lực đó đã đưa chỉ tiêu tiếp cận điện năng của Việt Nam từ vị trí gần cuối bảng (xếp thứ 156/189 quốc gia năm 2013) bứt phá ấn tượng lên vị trí 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và đạt mục tiêu vào nhóm ASEAN 4 trước hai năm so với yêu cầu của Chính phủ, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới”, ông Nguyễn Tài Anh cho biết.

Đánh giá về những nỗ lực của EVN trong thời gian qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Năm 2018, kinh tế đạt mức tăng trưởng tích cực với 7,08% có sự đóng góp của nhiều tập đoàn kinh tế, trong đó có EVN khi bảo đảm cung ứng đủ điện cho đất nước và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Phó thủ tướng cũng cho biết, nhu cầu điện đang tăng nhanh và vượt khả năng cung ứng. Hiện, tổng công suất nguồn là hơn 48.000MW, với tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện 10%/năm, theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020, Việt Nam cần tổng nguồn là 90.000 MW. Trên thực tế, con số này có thể cao hơn do độ mở của nền kinh tế rất lớn, tốc độ phát triển kinh tế đang rất nhanh. Vì thế, EVN đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện bởi thủy điện đã khai thác gần hết; nguồn điện thay thế gặp nhiều khó khăn do Việt Nam đã quyết định dừng triển khai điện nguyên tử, nhiều dự án nhiệt điện bị chậm tiến độ, các nguồn năng lượng tái tạo hiện chưa thể phát triển trên quy mô lớn do chi phí cao, hệ thống truyền tải chưa đáp ứng yêu cầu; việc vay vốn nước ngoài để phát triển nguồn điện cũng gặp nhiều khó khăn do vướng các thủ tục về bảo lãnh Chính phủ. “Chính vì vậy, EVN tập trung giải pháp để cung ứng đủ điện, không để thiếu điện trong mọi trường hợp nhưng giá điện phải hợp lý, người dân chịu đựng được, doanh nghiệp chịu đựng được. Muốn vậy, EVN phải bứt phá trong đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện; có cơ cấu nguồn điện hợp lý giữa nhiệt điện, thủy điện...”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.

Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện

Trước áp lực về nguồn cung điện đang gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành nhấn mạnh: "EVN luôn xác định việc cung cấp đủ điện cho phát triển KT-XH và sinh hoạt của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng số một. Để thực hiện nhiệm vụ này, EVN xác định chủ đề năm 2019 là “Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện” với mục tiêu xuyên suốt là bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định chất lượng, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển KT-XH".

Đề cập tới giải pháp cụ thể, theo ông Nguyễn Tài Anh: Năm 2019, tập đoàn đặt mục tiêu điện sản xuất và mua đạt 232,5 tỷ kWh, tăng 9,2% so với năm 2018, sẵn sàng chuẩn bị các kịch bản đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn. Theo đó, EVN sẽ chủ động xây dựng kế hoạch cung cấp điện hằng tháng để điều hành hệ thống điện an toàn và tin cậy, khai thác hiệu quả các nguồn điện; chủ động trong cung cấp, nhập khẩu than cho phát điện; phối hợp với PVN/PVGas bảo đảm cung cấp khí và tìm kiếm các nguồn khí mới… Trong công tác đầu tư xây dựng, EVN sẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án, công trình nguồn và lưới điện, đặc biệt là các dự án phục vụ cấp điện cho miền Nam. Ngoài ra, tập đoàn tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ trong mọi lĩnh vực; tiếp tục tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức sản xuất phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành điện của Chính phủ; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng theo tinh thần lấy khách hàng là trung tâm...

Bài và ảnh: VŨ DUNG