QĐND Online – Chiều 10-6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, mở đầu cho nội dung chất vấn của kỳ họp thứ 7. Những vấn đề được các đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tập trung vào nợ công, điều hành giá cả, thu thuế, ngân sách…
Nợ công Việt Nam vẫn trong giới hạn an toàn
Trong nhóm 5 đại biểu chất vấn đầu tiên, có hai đại biểu chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về nợ công. Đại biểu Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) sau khi dẫn chứng về thực trạng nợ công, tình trạng vay để trả nợ công, đặt ra câu hỏi về nợ công có an toàn không, giải pháp nào cho an toàn tài chính quốc gia? Còn đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) bày tỏ băn khoăn khi có thông tin cho rằng, con số nợ công được báo cáo chưa tính đến vốn vay của doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ bảo lãnh. Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Tổng số vay Chính phủ vay để cho vay lại, bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước là bao nhiêu? có khoản vay nào nhà nước bảo lãnh vay, nhưng khi đến hạn không trả được, Chính phủ phải trả không? Dự kiến tình hình trong thời gian tới như thế nào?”.
Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: Đúng là theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều - tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm là 51,7% (2010); 50,1% (2011); 50,8% (2012) và 54,1% (ước tính 2013) hiện ở dưới mức theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội là 65%.
 |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích lũy từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công gia tăng trong thời gian qua.
Về cơ cấu nợ công, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm. Do vậy, áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các Ngân hàng thương mại trong khi cơ cấu nguồn vốn của các NHTM chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn.
Hiện nay, trên thế giới chưa có tiêu chí về phạm vi nợ công áp dụng chung cho các quốc gia. Phạm vi nợ công của phần lớn các nước bao gồm nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Đối với Việt Nam, theo quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, nợ công đã bao gồm: Nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản, đây là khoản nợ phát sinh do cần thiết đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm; do chấp hành kỷ luật tài chính ở một số nơi chưa nghiêm. Do vậy, cần thực hiện đúng Nghị quyết Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện việc cân đối vốn dự toán để thanh toán các khoản nợ đọng của các công trình trong danh mục đã được phê duyệt. Phấn đấu tăng thu để có nguồn xử lý nợ đọng XDCB.
Hiện nay, các khoản nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh, nợ vay về cho vay lại của Chính phủ đã được tính trong phạm vi nợ công. Các khoản vay nợ của doanh nghiệp không được tính trong nợ công bởi doanh nghiệp là người trực tiếp đi vay nợ để đầu tư và có nghĩa vụ trả nợ. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trả nợ.
Sớm có nghị định sửa đổi Nghị định 84
Nhiều lần chất vấn trước Quốc hội về vấn đề giá xăng, giá điện, trong phiên chất vấn chiều 10-6, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) tiếp tục chất vấn về việc thiếu minh bạch trong điều hành, cạnh tranh kinh doanh xăng, dầu. Việc sửa Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu được ban hành từ năm 2009. Theo ĐB Nga, “khi Nghị định 84 chưa được sửa đổi thì những hạn chế trong công tác điều hành giá xăng dầu như thiếu minh bạch, thiếu tính cạnh tranh, nhập nhằng lỗ lãi… vốn được cho là do “lỗi” của Nghị định 84 vẫn còn”.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Nghị định 84 vừa qua trong điều hành cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta đề cao tinh thần điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và nếu các đại biểu Quốc hội theo dõi trong một năm gần đây, việc điều hành xăng dầu cơ bản theo thị trường, rất thường xuyên. “Chúng tôi cho rằng đến nay nhân dân cả nước, các cơ quan đơn vị cũng đã quen với giá xăng dầu thường xuyên lên xuống, đó là điểm rất quan trọng và chúng tôi cũng cho rằng điều hành rất quan trọng. Chúng ta rút kinh nghiệm, tránh điều hành giật cục vì kiềm chế lạm phát, đáng nhẽ giá xăng tăng lên chúng ta cứ giảm, giữ ở giá thấp nên khi thả ra là giật cục, tăng giá rất cao, như thế tự dưng tạo động lực lan tỏa là lạm phát. Điều hành vừa qua rất thường xuyên theo Nghị định 84, nên cũng tránh gây cú sốc về giá cả và từ đó tránh tác động đến kinh tế vĩ mô, đến lạm phát”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra, “trong quá trình vận hành đúng là có những việc chúng tôi cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn theo lộ trình điều hành giá thị trường thì việc sửa Nghị định 84 cũng là điều cần thiết. Vừa qua việc này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công thương làm chủ trì, Bộ Tài chính tham gia phối hợp sửa Nghị định 84. Gần đây nhất ngày 3-6, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nghe lại Nghị định 84 này sửa đổi và Thủ tướng đã có kết luận, chúng tôi sẽ cùng với Bộ Công thương tiến hành chỉnh sửa lần cuối lấy lại ý kiến thành viên Chính phủ. Chúng tôi nghĩ trong thời gian rất ngắn nữa thì nghị định sửa đổi Nghị định 84 sẽ được ban hành”.
5 kinh nghiệm của ngành tài chính
Trong phiên chất vấn, đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) đặt câu hỏi: “Qua một năm được Quốc hội phê chuẩn là Bộ trưởng Bộ Tài chính chèo lái con thuyền ngân sách quốc gia trong thời kỳ đầy khó khăn, tân Bộ trưởng đã tiếp thu hoặc tự mình rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá nào từ các vị Bộ trưởng tiền nhiệm để đề ra hệ thống giải pháp mạnh mang tính đột phá, đảm bảo ngân sách cho nhiệm vụ kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới và để khắc phục cho được căn bệnh "tam nợ cố hữu", đó là nợ công, nợ đọng thuế và nợ bình ổn giá”
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã kể ra 5 kinh nghiệm của ngành tài chính và của mình.
Kinh nghiệm đầu tiên với ông và cũng là truyền thống của ngành tài chính, đó là đoàn kết. “Đây là bài học rất tốt mà về Bộ tài chính chúng tôi cảm nhận được ngay điều này, rất thấm thía” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ hai là làm tài chính phải trung thực, tình hình như thế nào báo cáo như thế, tình hình thế nào đề xuất giải pháp như thế.
Thứ ba là phải làm tốt hơn việc phối hợp với các ngành, các cấp, chính quyền các địa phương. Theo Bộ trưởng, “tài chính là ngành dọc, xuống đến cấp huyện nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương mà ngoài cuộc thì thất bại. Năm 2013, khó như thế, nhưng chúng tôi rất cảm ơn các đồng chí ở địa phương sau khi chúng tôi sơ kết 6 tháng, có thư gửi tới các đồng chí bí thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, tất cả các tỉnh đều có nghị quyết và ở đây có những vị đại biểu Quốc hội là chủ tịch tỉnh rất quyết liệt trong vấn đề đôn đốc thu. Thực chất theo phân cấp, nếu không có thu thì không có chi ngay tại địa phương mình, chúng ta có điều hòa giữa địa phương giàu và địa phương nghèo, có điều tiết về trung ương, nhưng từng địa phương không đề cao trách nhiệm của mình thì bản thân phần cân đối hụt thu rất khó khăn cho ngân sách Trung ương. Các đồng chí vào cuộc đẩy lên được thì Trung ương cũng đỡ và bản thân các đồng chí có tiền tiêu ngay, chúng tôi thấy việc rất tốt”.
Thứ tư là cầu thị lắng nghe, chọn trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo.
Thứ năm là phải công khai, minh bạch và gắn với thông tin tuyên truyền, truyền thông chính sách, các chủ trương của bộ, của Chính phủ.
XUÂN DŨNG