Khai mạc tọa đàm, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII Vũ Văn Cường nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò quan trọng của Sổ tay kiểm toán các ngân hàng thương mại và việc ứng dụng AI trong khai thác thông tin phục vụ hoạt động kiểm toán lĩnh vực ngân hàng. 

Kiểm toán trưởng Vũ Văn Cường khẳng định, mục tiêu quan trọng của việc xây dựng sổ tay là để “cầm tay chỉ việc” hoạt động kiểm toán lĩnh vực ngân hàng thương mại. Tọa đàm là dịp để các kiểm toán viên trao đổi nghiệp vụ, đóng góp ý kiến hoàn thiện Sổ tay kiểm toán. 

Cũng theo ông Vũ Văn Cường, Sổ tay kiểm toán cần phải được liên tục cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hằng năm để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII. 

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ AI trong hoạt động kiểm toán, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII đề nghị các kiểm toán viên của đơn vị nghiêm túc học tập, trao đổi, nắm vững các vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ AI để có thể ứng dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán. 

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: HUY THÀNH

Giới thiệu tổng quan về Sổ tay kiểm toán, ông Nguyễn Xuân Toàn, Trưởng phòng Kiểm toán ngân hàng 1, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII cho biết: Việc xây dựng Sổ tay kiểm toán nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả kiểm toán tại các ngân hàng thương mại. Đây là tài liệu hỗ trợ đào tạo và nâng cao kỹ năng cho kiểm toán viên, giúp nhận diện các rủi ro, sai sót thường gặp khi kiểm toán tại các ngân hàng thương mại và định hướng các phương pháp, cách thức phát hiện rủi ro, sai sót cũng như nắm bắt các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của ngân hàng thương mại. 

Sổ tay kiểm toán các ngân hàng thương mại gồm 2 phần: Phần I - Tổng quan về ngân hàng thương mại và quy trình kiểm toán theo quy định của Kiểm toán nhà nước - cụ thể hóa một số nội dung: Khái niệm ngân hàng thương mại, các nội dung hoạt động chủ yếu của ngân hàng thương mại, đặc điểm tổ chức và hoạt động của các ngân hàng thương mại, quy trình kiểm toán chung các ngân hàng thương mại.

Phần II - Một số rủi ro, sai sót thường gặp tại ngân hàng thương mại được Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII phát hiện trong thời gian qua - hướng dẫn kiểm toán viên phân tích số liệu báo cáo tài chính để nhận diện các rủi ro ban đầu; kiểm toán hoạt động tín dụng, hoạt động cho vay, một số khoản mục kế toán và kiểm toán chỉ tiêu an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng thương mại. 

Với các hướng dẫn cụ thể, “Sổ tay kiểm toán giúp kiểm toán viên nhận diện các sai sót, rủi ro và yêu cầu các đơn vị được kiểm toán cung cấp tài liệu cần thiết, từ đó định hướng phương pháp, cách thức phát hiện rủi ro trong quá trình kiểm toán các ngân hàng thương mại”, ông Nguyễn Xuân Toàn chia sẻ, đồng thời mong muốn nhận được nhiều góp ý để Tổ soạn thảo hoàn thiện Sổ tay kiểm toán. 

Góp ý về Sổ tay kiểm toán, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến các dự án cho vay trung hạn, dài hạn; đánh giá hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại; kiểm toán việc trích lập dự phòng; kiểm toán đối với những rủi ro...

Liên quan đến chuyên đề ứng dụng AI phục vụ việc khai thác thông tin phục vụ hoạt động kiểm toán, ông Lê Anh Vũ, Trưởng phòng Kiểm toán công nghệ thông tin, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII khẳng định: Đây là công cụ hữu ích đối với kiểm toán viên trong quá trình kiểm toán các ngân hàng thương mại. Việc ứng dụng AI giúp kiểm toán viên khai thác hiệu quả hồ sơ kiểm toán tại các ngân hàng thương mại; nhận biết những điểm cần lưu ý trong hồ sơ hồ tín dụng; tra cứu văn bản, khai thác dữ liệu của các khách hàng đã được số hóa… Để khai thác hiệu quả các thông tin này, kiểm toán viên phải lưu ý một số vấn đề trong quá trình kiểm toán. 

Cụ thể, theo chia sẻ của ông Lê Anh Vũ: Kiểm toán viên phải hiểu được nguyên lý hoạt động của AI để hạn chế được những rủi ro khi ứng dụng các phần mềm này. Đặc biệt, phải lưu ý đến vấn đề an toàn, bảo mật, những thông tin nào được phép chia sẻ, những thông tin nào không được phép chia sẻ và những vấn đề phải xử lý. Đồng thời, kiểm toán viên phải tìm hiểu cách thức áp dụng AI trong hoạt động cho vay của ngân hàng. “Việc học hỏi không ngừng sẽ đem lại hiệu quả lớn cho các kiểm toán viên trong ứng dụng AI vào hoạt động kiểm toán”, ông Lê Anh Vũ nhấn mạnh.

Tham gia tọa đàm, kiểm toán viên Nguyễn Trang Nhung, Phòng Kiểm toán ngân hàng III, Kiểm toán nhà nước cho biết: “Sổ tay kiểm toán giúp kiểm toán viên có thể định hình rõ các bước cần thực hiện khi kiểm toán, từ việc yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp những tài liệu cần thiết đến việc nhận diện những sai sót, rủi ro… Còn công nghệ AI giúp chúng tôi khai thác dữ liệu lớn của các ngân hàng thương mại, từ khâu khảo sát, lập kế hoạch đến thực hiện kiểm toán. Đó là những kiến thức thực sự có ý nghĩa và giá trị đối với kiểm toán viên”.

VIỆT ANH