Ngày 12-5-2016, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) ra Quyết định số 714/QĐ-CCT truy thu thuế giá trị gia tăng và thuế TNCN đối với ông Nguyễn Việt Cường do hành vi mua bán tiền kỹ thuật số trên internet với tổng số tiền truy thu hơn 2,6 tỷ đồng. Cho rằng số tiền nêu trên vượt quá tổng lợi nhuận trước thuế mà mình thu được nên ngày 10-8-2016, ông Nguyễn Việt Cường gửi đơn khiếu nại đến Chi cục Thuế TP Bến Tre. Sau khi xem xét, Chi cục Thuế TP Bến Tre ra Quyết định số 1205/QĐ-CCT bác đơn khiếu nại. Ngày 5-10-2016, ông Cường tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bến Tre. Ngày 18-5-2017, Cục Thuế tỉnh Bến Tre sau khi xin hướng dẫn của Tổng cục Thuế đã ra Quyết định số 1002/QĐ-CT thừa nhận tính hợp pháp của Quyết định số 714/QĐ-CCT và không chấp nhận đơn khiếu nại của ông Cường. Không đồng tình, ông Cường tiếp tục gửi đơn khiếu kiện tới Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre đề nghị hủy hai quyết định trên. TAND tỉnh Bến Tre chấp thuận đơn khởi kiện của ông Cường và tại Bản án số 22/2017/HC-ST ngày 21-9-2017 đã tuyên hủy hai quyết định trên của các cơ quan thuế với lý do theo pháp luật hiện hành, tiền kỹ thuật số không phải hàng hóa.
Luật sư Trần Văn Hùng, Công ty Luật TNHH Bùi Gia và Cộng sự cho biết: “Luật Thuế TNCN hiện hành đang thiếu các quy định cụ thể với các đối tượng chịu thuế là những người hành nghề tự do, như: Giảng dạy, bác sĩ khám, chữa bệnh ngoài giờ, luật sư, môi giới... khiến cơ quan thuế chưa quản lý được đầy đủ. Cụ thể, đối với các khoản thu nhập khác ngoài lương từ những công việc nêu trên thì phải kê khai để tính tổng thu nhập, từ đó xác định mức thuế thu nhập phải nộp. Tuy nhiên trên thực tế, các đối tượng này chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật đăng ký, cụ thể như chưa tự giác kê khai và nộp thuế TNCN dẫn đến thất thu thuế. Chính vì thiếu các quy định về thuế với đối tượng tự do nên khi xét xử vụ việc liên quan đến ông Cường, TAND tỉnh Bến Tre không căn cứ vào các quy định về thuế mà tập trung chứng minh tiền kỹ thuật số có phải hàng hóa theo quy định của Luật Dân sự không? Trong khi bản chất của vụ việc là truy thu khoản thuế từ thu nhập của ông Cường khi kinh doanh tiền kỹ thuật số, số tiền được cơ quan Công an tỉnh Bến Tre xác định. Bản án mâu thuẫn ở chỗ, tòa phủ nhận Công văn số 87/ANĐT ngày 19-10-2015 của Cơ quan An ninh điều tra để bác bỏ căn cứ tính thuế trong quyết định truy thu thuế của Chi cục Thuế TP Bến Tre. Nhưng cũng chính tòa lại viện dẫn công văn của hai cơ quan công quyền nói trên như những cơ sở pháp lý để đưa ra phán quyết. Việc làm này là trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Bởi lẽ, các công văn của Nhà nước không nằm trong danh mục các văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại điều 4 của luật này".
Ngoài ra, Luật Thuế TNCN cũng bộc lộ hạn chế khác, như: Có nhiều khoản trợ cấp phát sinh không thuộc phạm vi tiền lương, tiền công (trợ cấp tinh thần, giảm biên chế, trợ cấp một lần khi đăng ký nghỉ hưu sớm...) nhưng chưa được giảm trừ trong quá trình xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, trong khi những khoản trợ cấp này lại phản ánh việc người chịu thuế đang lâm vào tình trạng khó khăn. Thêm nữa, chưa có quy định giảm trừ với những người phụ thuộc bị mắc bệnh tâm thần mà người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng. Luật cũng chưa tạo ra được sự đồng tình của xã hội về ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh cho các đối tượng phụ thuộc. Theo Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TP Hồ Chí Minh kiêm Tổng giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tín Nghĩa: Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của người nộp thuế. Mức độ giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh theo Luật Thuế TNCN 2012 là 9 triệu đồng/người/tháng (108 triệu đồng/năm) và đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Hay, Luật Thuế TNCN 2012 còn quy định: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động hơn 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”. Trong khi đó, CPI và tiền lương từ năm 2012 đến 2019 liên tục tăng. Số liệu thống kê cho thấy, CPI nước ta từ năm 2013 đến tháng 9-2019 đã tăng 23,55%. Nghĩa là CPI đã vượt xa mức tối thiểu 20% để Chính phủ có thể xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế. Đồng thời, số liệu tổng hợp cũng cho thấy tỷ lệ tăng CPI (23,55%) chậm hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng mức lương cơ sở (36,79%) và tỷ lệ tăng mức lương tối thiểu (60,91%). Do đó, Luật Thuế TNCN cũng nên xem xét căn cứ vào tỷ lệ tăng tiền lương để thay đổi mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp. Bởi tiền lương gắn bó mật thiết với thu nhập của người lao động và tỷ lệ tăng tiền lương được Chính phủ ban hành định kỳ hằng năm, sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý lao động và cộng đồng doanh nghiệp.
Để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, cùng với những bất cập còn tồn tại thì việc sửa đổi Luật Thuế TNCN là cần thiết nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người nộp thuế, tạo sự bình đẳng, công bằng về nghĩa vụ thuế của công dân, bảo đảm thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế.
DƯƠNG SAO