QĐND - Mới đây, tại cuộc họp cấp Bộ trưởng khởi động Chương trình An ninh Y tế toàn cầu được tổ chức ở Hoa Kỳ, Việt Nam và U-gan-đa là hai quốc gia được chọn thí điểm triển khai chương trình này. Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, Chương trình An ninh Y tế toàn cầu sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực giám sát, phát hiện sớm và xử lý các dịch bệnh nhằm giảm tác động của dịch bệnh đối với kinh tế và sức khỏe người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hoa Kỳ, bà Kathleen Sebelius. Ảnh do Bộ Y tế cung cấp.

 

Phóng viên (PV): Việt Nam là 1 trong 2 nước được chọn thí điểm để triển khai Chương trình An ninh Y tế toàn cầu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ chương trình này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Mục tiêu chung của Chương trình An ninh Y tế toàn cầu do Hoa Kỳ đề xuất là nhằm tiến tới một thế giới an toàn hơn với các nguy cơ do bệnh truyền nhiễm gây ra, ngăn ngừa và giảm những tác động của bệnh dịch nguy hiểm, phát hiện sớm dịch bệnh, minh bạch thông tin và chia sẻ với cộng đồng quốc tế nhằm đáp ứng có hiệu quả với các dịch bệnh trên người và động vật. Như vậy, việc tham gia chương trình này sẽ giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa năng lực giám sát, phát hiện sớm và xử lý các dịch bệnh nhằm giảm tác động của dịch bệnh đối với kinh tế và sức khỏe người dân, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của nước ta với cộng đồng thế giới.

PV: Thưa Bộ trưởng, hiện nay Việt Nam đã được Chương trình An ninh Y tế toàn cầu hỗ trợ những gì?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong năm 2013-2014, thông qua chương trình này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) đã hỗ trợ Bộ Y tế nâng cao năng lực xét nghiệm các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Đến nay, hai viện đã có đầy đủ năng lực xét nghiệm phát hiện vi-rút gây bệnh mới nổi và nguy hiểm được cả thế giới quan tâm theo dõi là cúm A (H7N9) và bệnh viêm đường hô hấp cấp khu vực Trung Đông (MERS-CoV). USCDC cũng đã hỗ trợ xây dựng và từng bước hoàn thiện Văn phòng đáp ứng phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế (Văn phòng EOC) được đặt tại Cục Y tế dự phòng. Trước mắt, Văn phòng EOC tại Việt Nam tập trung vào công tác đáp ứng với các tình huống dịch bệnh, về lâu dài, đây sẽ là đơn vị đầu mối chia sẻ thông tin và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế cùng xử lý các vấn đề y tế công cộng khác ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại Việt Nam, như vấn đề bão lụt, thiên tai, thảm họa khác do con người gây ra.

PV: Hiện nay có bao nhiêu nước tham gia Chương trình An ninh Y tế toàn cầu và cơ chế các nước liên kết, hợp tác với nhau thế nào trong chương trình này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện tại, có hơn 20 nước tham gia Chương trình An ninh Y tế toàn cầu trên thế giới. Các nước hợp tác trên cơ sở thực hiện các nguyên tắc đã được thông qua tại Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) năm 2010. Chương trình cũng có sự hỗ trợ tích cực giữa các nước nhằm bảo đảm tất cả các nước đều có đủ năng lực trong việc giám sát, phát hiện sớm, xử lý các dịch bệnh và chia sẻ kịp thời thông tin với cộng đồng quốc tế nhằm đáp ứng có hiệu quả với các dịch bệnh trên người và động vật theo đúng mục tiêu đã đề ra.

PV: Bộ trưởng có thể cho biết các tổ chức quốc tế WHO, FAO, OIE sẽ liên kết với nhau ra sao trong việc phát hiện, đáp ứng với các nguy cơ bệnh lây nhiễm, đặc biệt các bệnh mới nổi như cúm A (H7N9)?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong thời gian qua, các tổ chức quốc tế đã giúp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực giám sát, phát hiện các ổ dịch cúm trên gia cầm và ở người, chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh và xử lý ổ dịch. Với sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế, Việt Nam đã tiếp nhận các hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để tổ chức giám sát sàng lọc trên các đàn gia cầm và xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm từ người bệnh nghi ngờ mắc các chủng vi-rút cúm. Đến nay chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh cúm A(H7N9) nào trên người cũng như trên gia cầm, đã phát hiện 2 trường hợp mắc cúm A(H5N1) trên người tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp trong tháng 1-2014.

Cùng với việc hỗ trợ trong giám sát, các Tổ chức quốc tế WHO, FAO, OIE cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo chia sẻ thông tin và cung cấp cho Việt Nam những khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng phù hợp với thực tế tại Việt Nam và thế giới.

PV: Đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong chuyến làm việc tại Hoa Kỳ lần này, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có những ký kết hợp tác y tế gì?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong năm 2013, hai nước đã ký Hiệp định Hợp tác Y tế, kết quả đã mở ra những hoạt động hợp tác thiết thực giữa ngành y tế hai nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới các hợp tác bảo đảm an ninh y tế toàn cầu. Đây là thành quả sự nỗ lực của hai nước trong việc hợp tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là nước còn nhiều khó khăn, mô hình bệnh tật chủ yếu là bệnh truyền nhiễm nhưng đã chứng minh với thế giới là hoàn toàn có thể khống chế thành công và kiểm soát tốt bệnh dịch SARS, cúm A (H5N1), cúm A(H1N1) trong thời gian qua.

Việc triển khai tốt các hoạt động của Chương trình An ninh Y tế toàn cầu tại Việt Nam trong năm 2013-2014 sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ hiện đại, phương thức phòng chống dịch tiên tiến, tiếp nhận và chia sẻ thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh trên toàn cầu. Đồng thời là tiền đề cho việc mở rộng các hoạt động hợp tác tiếp theo giữa hai nước.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!        

THU HƯƠNG (thực hiện)