Theo giải thích của một số hãng sữa, việc phân lại độ tuổi là để phù hợp với quy định mới cấm quảng cáo đối với sản phẩm cho trẻ từ 2 tuổi trở xuống. Việc phân lại độ tuổi là do mới đây Nhà nước cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 2 tuổi nên hàng loạt các hãng sữa đã ồ ạt đổi mẫu. Trên thực tế giá các sản phẩm sữa không thay đổi, không giảm giá mà có hãng còn tăng giá.
Khảo sát tại một số đại lý, cửa hàng sữa tại Hà Nội cho thấy, thời gian gần đây, thị trường sữa đã có nhiều thay đổi khi hàng loạt hãng sữa thay đổi bao bì, mẫu mã mới. Đáng chú ý trước đây, sữa công thức các loại dành cho trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi, từ 6 tháng - 12 tháng, từ 1 đến 3 tuổi, từ 3 tuổi trở lên… nay bị bất ngờ thay đổi theo chuẩn mới, theo đó, tách sữa dành cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi thành 2 loại: 1 - 2 tuổi và từ 2 - 4 tuổi. Cụ thể, sữa Enfamil A+ 360 loại Brain Plus cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi được thay đổi thành sữa dành cho trẻ từ 1 đến 2 tuổi giá bán 785.000đ/hộp (loại 1,6kg/hộp) và 420.000đ/hộp (loại 900g/hộp), còn trẻ từ 3 tuổi trở lên chuyển sang dùng sữa số 4 có giá bán 718.000đ/hộp (loại 1,6kg/hộp), trước đó sữa dành cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi của Efamily chỉ có 684.000/hộp (loại 1,6kg/hộp).
Chị Huyền Trang quận Đống Đa (Hà Nội) có hai con nhỏ cho rằng, mặc dù từ ngày 15-4, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa phải loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi nhưng tôi không kỳ vọng giá sữa giảm. Vì mỗi lần các cơ quan chức năng có những biện pháp quyết liệt để quản lý thị trường sữa thì các hãng sữa thường tìm mọi cách để “lách luật” như thay đổi mẫu mã, bao bì, trọng lượng sản phẩm để tăng giá.
Cần phải siết chặt giá sữa
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Cục phó Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, để kiểm soát giá sữa trên thị trường, hiện Cục Quản lý Giá đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu trong quá trình tiếp nhận kê khai giá sữa của các DN sẽ phải loại trừ chi phí quảng cáo trong giá thành sản xuất kinh doanh sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi và yêu cầu các DN phải hoàn thành kê khai giá trước ngày 15-4. Trên cơ sở đó, các cơ quan thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát giá. Đối với các sản phẩm mới sẽ phải kê khai giá và sẽ kiểm soát giống như những sản phẩm sữa đã lưu hành trên thị trường. Về thông tin các DN dự kiến sẽ tăng giá trong thời gian tới, bà Nga cho rằng hiện nay giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn đang được áp giá trần, nên không thể tăng quá so với quy định. Trên cơ sở kết quả kê khai giá của DN, Cục sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm nhất quán của Bộ Tài chính trong việc điều hành giá là phải đúng pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng Nếu đến tháng 5-2015, giá sữa nguyên liệu vẫn ở mức thấp mà giá sữa bán lẻ trong nước không giảm thì sẽ áp dụng các giải pháp, nhằm siết chặt quản lý để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Cục Quản lý Giá cũng đề nghị các Sở Tài chính các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện biện pháp giá tối đa đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định; Tăng cường kiểm tra, thanh tra về việc thực hiện kê khai giá, phân bổ các khoản chi phí đặc biệt là chi phí quảng cáo đối với các sản phẩm sữa dưới 24 tháng tuổi của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện vi phạm cần xử lý kiên quyết, triệt để các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Mặc dù các quy định khống chế giá sữa liên tục được Bộ Tài chính ban hành, nhưng nhiều hãng sữa ngoại cũng như các công ty sữa trong nước vẫn tăng giá bằng việc thay đổi bao bì, độ tuổi của các sản phẩm sữa bột.
Bài và ảnh: VƯƠNG THÚY