Bà Nguyễn Thị T (65 tuổi, ở Nam Định) ra Hà Nội chơi với cháu. Sắp đến ngày về, con trai bà T thấy phía trên ngón tay bà T có nhiều nốt to cộm lên. Đặc biệt, trên mu bàn tay phải bỗng xuất hiện những vết ngoằn nghèo như giun màu hồng...
QĐND - Bà Nguyễn Thị T (65 tuổi, ở Nam Định) ra Hà Nội chơi với cháu. Sắp đến ngày về, con trai bà T thấy phía trên ngón tay bà T có nhiều nốt to cộm lên. Đặc biệt, trên mu bàn tay phải bỗng xuất hiện những vết ngoằn nghèo như giun màu hồng. Con trai bà T đã đưa bà vào khám tại Khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương.Trước khi lên Hà Nội chơi với gia đình con trai, bà T có ra làm vườn. Bình thường khi làm vườn, bà T đeo găng tay nhưng hôm đó vội nên bà cứ để tay không nhổ lạc.
 |
“Đường hầm” do ấu trùng di chuyển tạo ra trên bàn tay bà T.
|
Bác sĩ Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương) cho biết, bước đầu, các bác sĩ chẩn đoán bà T bị nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da (do tiếp xúc với đất có ấu trùng và bị xâm nhập qua da) và cho điều trị kháng sinh hai ngày. Những đường ngoằn nghèo đó không phải là hình thù con ấu trùng mà là đường hầm do ấu trùng di chuyển tạo ra. Theo kinh nghiệm, bác sĩ Thọ cho rằng, có thể ấu trùng di chuyển này là loại giun lươn.
Bệnh giun lươn do Strongyloides stercoralis là một bệnh ký sinh trùng đường ruột phổ biến tại nhiều vùng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cũng giống như các bệnh ký sinh trùng khác, bệnh giun lươn khó chẩn đoán vì biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Biểu hiện bệnh từ không triệu chứng trong nhiễm trùng cấp tính và mãn tính đến nặng và tử vong trong hội chứng hyperinfection, tỷ lệ tử vong hơn 85%. Giun lươn có chu kỳ tự nhiễm nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời. Cũng giống như các bệnh ký sinh trùng khác, bệnh giun lươn rất khó chẩn đoán. Đặc biệt, giun lươn còn là tác nhân gây nhiễm trùng cơ hội, bộc phát mạnh trên cơ địa suy giảm miễn dịch, có thể dẫn đến tử vong. Ấu trùng giun lươn xâm nhập cơ thể bằng cách chui qua da, sau đó theo đường tĩnh mạch về tim, qua phổi, tới khí quản. Sau đó, nó xuống ruột để trở thành giun trưởng thành. Giun trưởng thành ký sinh ở niêm mạc ruột, sau khi giao hợp sẽ đẻ trứng. Trứng nhanh chóng phát triển thành ấu trùng dạng tự do và bị đào thải ra ngoài.
Bài và ảnh: LINH THÙY