QĐND - Hệ thống báo chí trong nước nhiều năm qua không chỉ làm tốt chức năng thông tin mà còn là diễn đàn xã hội dân chủ rộng lớn, góp phần tạo lập dư luận xã hội, giám sát và phản biện xã hội. Đặc biệt, khi thông tin về các hoạt động của Quốc hội, báo chí đã thực sự trở thành cầu nối giữa cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và người dân khi tạo ra nhiều đợt sinh hoạt chính trị trên khắp cả nước.
Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội, tại tọa đàm “Trách nhiệm của báo chí đối với xã hội thông qua phản ánh hoạt động của Quốc hội”, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: Quốc hội đảm nhiệm một sứ mệnh quan trọng trong quá trình xây dựng luật pháp, quyết định các chính sách lớn cũng như các vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời thực hiện quyền giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước. Đặc biệt, bản chất chức năng giám sát của Quốc hội là áp đặt chế độ trách nhiệm và quan trọng là kiểm soát quyền lực hành pháp của Nhà nước.
 |
Các nhà báo phỏng vấn đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) bên lề một kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Lê Thiết Hùng.
|
Thực tế cho thấy, nhờ có sự thông tin kịp thời của báo chí mà tại các kỳ họp Quốc hội, những phiên họp của các cơ quan của Quốc hội, nhất là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với thành viên của Chính phủ, đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân. Vì vậy, nêu lên trách nhiệm của nhà báo trong hoạt động thông tin lĩnh vực này, theo bà Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Hội Nhà báo Việt Nam), thông qua các tác phẩm báo chí, nhà báo phải giúp người dân phần nào hiểu được những nội dung chính sách đang được Quốc hội xây dựng, sửa đổi; đồng thời cũng truyền tải tâm tư, nguyện vọng của người dân đến Quốc hội, giúp người dân thấy được sự tham gia của mình vào quá trình xây dựng luật pháp và quyết định những chính sách lớn.
Bà Sarah Meyer - Quyền giám đốc Dự án “Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng: Trách nhiệm xã hội của báo chí là phải làm tăng hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước và thực hiện chính sách thông qua việc thúc đẩy tính minh bạch của chính sách cũng như trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước. Đồng tình quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, ở Việt Nam, truyền thông có tác động rất lớn đối với sự thay đổi của chính sách. Lấy dẫn chứng cụ thể, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho biết: Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi nhằm bảo đảm tốt hơn quyền cho người lao động. Thế nhưng khi nhà báo hiểu chưa chính xác nội dung và truyền tải nội dung ấy theo góc nhìn của mình đã dẫn đến những phản ứng trái chiều của nhiều người lao động. Thậm chí, ngay sau khi báo chí đưa tin thì lãnh đạo cơ quan chức năng đã có ý định đề nghị sửa đổi Điều 60, trong khi Luật Bảo hiểm xã hội còn chưa có hiệu lực thi hành.
Tác phẩm báo chí là một sản phẩm tư duy của nhà báo, nhưng khi đã in ấn, phát hành, phát sóng công khai thì đó là sản phẩm của cả tập thể, là quan điểm chính thức của tờ báo, ngành chủ quản. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có một bộ phận người cầm bút không khai thác, thu thập, nghiên cứu kỹ tư liệu, ít thâm nhập thực tiễn, cho ra đời những tác phẩm báo chí kém chất lượng; thậm chí còn sao chép, cắt xén, hư cấu chi tiết báo chí, tác động tiêu cực tới dư luận xã hội. Vì thế, một trong những yêu cầu trong tác nghiệp và cũng là đạo đức nghề nghiệp là nhà báo phải bám sát sự kiện, thông tin trước khi đăng báo, phát sóng phải có sự kiểm chứng, phản ánh đa chiều, tránh tình trạng “làm báo salon”. Liên quan tới việc nhà báo viết về các hoạt động của Quốc hội, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, để xã hội phát triển thịnh vượng và tốt đẹp hơn phụ thuộc nhiều vào trình độ, phẩm chất đạo đức của những người làm báo. Nhà báo cần phải hiểu về quy trình làm việc của Quốc hội là tuân thủ quy tắc và thủ tục. Vì vậy, trong việc đưa tin, viết bài về hoạt động của Quốc hội, vấn đề đặt ra cho nhà báo hiện nay là đưa tin như thế nào để có thể thu hút được sự chú ý của người dân; để chính sách trở nên minh bạch và việc đưa tin đúng thời điểm là hết sức quan trọng.
Trao đổi về cách thông tin một cách hiệu quả về hoạt động của Quốc hội, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ: Quyết định thường được đưa ra bởi một số lý do khác nhau. Vì thế, nhà báo cần phải hiểu bối cảnh ra đời của một luật mới để có thể giải thích luật một cách trách nhiệm và dễ hiểu. Đồng thời, là những nhà truyền thông chuyên nghiệp, nhà báo cần biết cách đơn giản hóa tài liệu mà không làm sai lệch nội dung và phải biết cái gì mình có thể hoặc không thể nói. “Nhưng quan trọng nhất là mọi thứ bạn viết hoặc nói phải hoàn toàn chính xác, nếu không bạn sẽ làm công chúng mất niềm tin. Người làm báo không nên có thành kiến và không được đưa quan điểm cá nhân vào nội dung báo cáo” - Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng lưu ý.
VŨ DUNG