QĐND - Sau nhiều năm mòn mỏi đợi chờ hy vọng, mãi đến cuối năm 2010 người dân thôn Xuân Thắng, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn mới có điện lưới để sử dụng. Thế nhưng, niềm vui chưa tày gang, không ít gia đình đã phải tự động cắt điện vì hầu hết công tơ điện đều đã “quá đát”.

 Thôn Xuân Thắng có 135 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống và là thôn nghèo nhất, nằm tách biệt hẳn với trung tâm xã Cự Thắng. Từ đường lớn vào thôn, chúng tôi phải lội bộ hơn 3km đường núi quanh co và đặc quánh bùn đất. Giao thông đi lại khó khăn nên dù đã có dự án điện từ nhiều năm trước, nhưng phải mãi đến năm 2010 người dân nơi đây mới có điện lưới để sử dụng cho sinh hoạt.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là một trong số những dự án được đầu tư, xây dựng bằng 100% số vốn của Nhà nước. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân trong thôn, năm 1997 mỗi gia đình đã nộp 50.000 đồng, đến năm 2002 họ lại nộp thêm 200.000 đồng nữa để kéo điện về thôn. Tiền đóng, nhưng cứ phải chờ đợi và đến ngày 22-12-2010 đường điện mới hoàn tất, người dân thôn Xuân Thắng mới biết thế nào là ánh sáng của điện.  Có điện, cuộc sống của thôn Xuân Thắng từng bước đổi mới. Thế nhưng, một nghịch lý xảy ra là chỉ sau hai tháng sử dụng điện và cũng chỉ dùng điện thắp sáng là chủ yếu thế mà trong thôn có không ít gia đình phải trả tiền điện lên đến nửa triệu đồng.

Đường điện mới nhưng có nguy cơ người dân quay lại dùng dèn dầu thắp sáng vì công tơ cũ chạy sai.

Ông Lý Kim Hương, một người dân trong thôn bức xúc cho biết: "Gia đình tôi chỉ dùng vài bóng đèn thắp sáng, nhiều lắm thì cũng chỉ hết 40 đến 50 số/tháng là cùng. Thế mà, đến cuối tháng nhân viên điện lực đi thu tiền tôi mới ngã ngửa, không sử dụng nhiều thiết bị điện mà cũng hết gần 200 số. Tôi cứ nghĩ nhân viên điện lực nhầm nên trèo lên xem đồng hồ thì đúng như vậy. Tìm hiểu ra chúng tôi mới biết, tất cả các công tơ điện mà họ lắp đặt cho các gia đình trong thôn đều là hàng "quá đát", có cái đã dùng đến hai, ba nghìn số, nên nhiều công tơ chưa dùng đã hỏng, cá biệt có cái cắt điện rồi mà vẫn chạy như ngựa vía…”.

Ông Triệu Văn Hòa góp lời: "Gia đình tôi không nấu cơm, hai đến ba ngày bơm nước một lần và thêm hai bóng thắp sáng. Lần đầu tiên nộp tiền, xem phiếu thu tôi giật mình vì nghĩ do gia đình mình dùng nhiều. Tháng sau tôi quán triệt gia đình dùng rất tiết kiệm, chỉ thắp sáng 3 đến 4 tiếng vào buổi tối. Thế mà, khi thanh toán lại tăng thêm gần 80.000 đồng. Không hiểu công tơ điện chạy kiểu gì? Hai tháng mà dùng hết gần 500.000 đồng tiền điện, tốn kém quá, quay lại dùng đèn dầu hỏa còn hơn …”.

Trong khi hầu hết số công tơ điện cũ đang làm khổ người dân, thì cũng có một số gia đình “may mắn” mặc dù đã sử dụng hết công suất các thiết bị điện trong gia đình, nhưng cả tháng không mất một xu tiền điện nào, lý do rất đơn giản công tơ điện bị “liệt” không chạy được. Với những trường hợp này, không thu được tiền, không cần người dân có ý kiến, nhân viên điện lực cũng tự động sửa chữa và thay đồng hồ khác. Thế nhưng, với hầu hết các hộ gia đình khi phát hiện công tơ điện có vấn đề, phản ánh ý kiến với nhân viên điện lực và UBND xã đề nghị thay công tơ mới, thì mọi việc vẫn chìm trong im lặng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cự Thắng khẳng định: "Đúng ra số công tơ điện này phải được lắp mới, nhưng vì người dân quá nôn nóng được sử dụng điện trong dịp Tết Tân Mão nên sau khi có ý kiến của UBND xã và UBND huyện, Công ty điện lực đã tận dụng đồng hồ cũ để lắp. Toàn bộ số công tơ điện trên đều do Công ty Điện lực Phú Thọ cung cấp và thống nhất khi nào có công tơ điện mới sẽ thay thế. Khi đó, người dân không phải đóng góp thêm tiền. Đến nay, UBND xã vẫn chưa nhận được bất cứ ý kiến phản ánh nào của người dân về chất lượng đồng hồ, họ chỉ băn khoăn về đồng hồ cũ. UBND xã sẽ đề nghị lên huyện phối hợp với công ty điện lực để giải quyết”.

 Những bức xúc của người dân thôn Xuân Thắng là có thật. Đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền xã Cự Thắng và huyện Thanh Sơn, sớm vào cuộc điều tra làm rõ những nội dung mà người dân phản ánh. Trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan và có biện pháp xử lý nghiêm những người vi phạm. Bên cạnh đó, khẩn trương có biện pháp khắc phục, tránh để tình trạng đường điện lưới đã kéo về thôn, nhưng người dân vẫn phải dùng đèn dầu hỏa để thắp sáng. Hãy hành động ngay khi còn chưa muộn./.   

Bài và ảnh: Lê Hà