QĐND - Trong những năm qua, cảnh quan, diện mạo và đời sống người dân các buôn làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Trong đó, nhờ vào những gói tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), các hộ đồng bào nơi đây đã có vốn để phát triển sản xuất. Những chiếc “cần câu” đã phát huy hiệu quả kép khi không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế các địa phương mà còn góp phần không nhỏ vào mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên một vùng rộng lớn.
Người dân xã K’Dang, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai trồng cây cà phê năng suất cao từ nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: TRẦN VIỆT.
Nguồn vốn chính sách đã tạo đòn bẩy giúp đồng bào các dân tộc Gia Rai, Ba Na ở dọc Đông Trường Sơn thuộc địa phận tỉnh Gia Lai có cơ hội vươn lên làm chủ cuộc đời, cuộc sống mới. Với phương thức cho vay ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị-xã hội, Ngân hàng CSXH Gia Lai đã xây dựng được tổ tiết kiệm, vay vốn ở 100% buôn, làng. Qua đó, giúp các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi được dễ dàng và hiệu quả hơn. Chia sẻ về những thành quả phát triển kinh tế từ đồng vốn tín dụng ưu đãi, anh Rơ Chăm Nam, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa cho biết: "Năm 2007, gia đình mình được vay 7 triệu đồng vốn hộ nghèo từ Ngân hàng CSXH huyện để chăn nuôi. Chăm chỉ làm ăn, chưa đầy một năm, gia đình mình đã trả hết nợ và tiếp tục được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn. Đến nay, nhà mình đã nuôi được 15 con bò, trồng hơn 3ha ngô, sắn cho thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng. Con cái được đến trường chứ không phải theo bố mẹ lên rẫy như trước nữa".
Chứng kiến các hộ gia đình trong buôn chăm chỉ làm ăn, mở mang các loại hình kinh tế hộ gia đình và từng bước vươn lên thoát nghèo, già làng Rơ Chăm Hót, buôn Ma Leo, xã Đất Bằng, không giấu được niềm vui. Trong ký ức của già làng Rơ Chăm Hót, mảnh đất nghèo khó này mới đây thôi người dân còn thiếu ăn, thiếu những điều kiện sinh hoạt thiết yếu, thì nay nhiều hộ trong buôn đã mua sắm được những vật dụng có giá trị trong nhà, con cái được học hành, điện lưới quốc gia, nước sạch đã được đưa về tận buôn. Già làng Rơ Chăm Hót chia sẻ: "Cách đây 10 năm, đời sống bà con khó khăn lắm, lúc đó bà con chỉ biết trồng cây lúa rẫy và cây mì thôi! Khi nào ông trời có mưa thì có ăn, không có mưa, mất mùa thì lại đói. Bà con mình muốn mua bò đầu tư cho cây trồng thì không có tiền. Bây giờ được Đảng và Nhà nước quan tâm, cuộc sống đã khá hơn rất nhiều. Lòng dân Gia Rai đời đời ơn Đảng!”.
Được biết, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giúp gần 60 nghìn lượt hộ nghèo, hơn 20 nghìn lượt hộ cận nghèo và hàng nghìn hộ mới thoát nghèo được vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Bình quân hằng năm, đã có hơn 10 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn vượt qua được ngưỡng nghèo, góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 27,56% năm 2011 xuống còn 13,9% năm 2014. Có thể khẳng định, với sự hỗ trợ của Ngân hàng CSXH cùng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai vươn lên thoát nghèo. Những cảnh đời khổ cực, thất học đã bị đẩy lùi. Các buôn làng vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn từ cửa ngõ An Khê đến Chư Sê, Ia Pa đang ngày một trù phú hơn.
MINH MẠNH