Bác sĩ khám bệnh cho trẻ em tỉnh Lai Châu
QĐND Online - Cho đến bây giờ, ở miền núi cao Lai Châu vẫn còn truyền tụng câu chuyện 14 năm trước về người bác sĩ quân y dám “cõng tủ lạnh” lên rừng để xoá 8 xã trắng cuối cùng về tiêm chủng của cả nước tại xứ sở tận cùng của miền Bắc, huyện Mường Tè. Anh là trung tá, bác sĩ quân y Bùi Văn Tính, Trưởng ban Quân y Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu.

Bạt cây dựng lán khám bệnh!

Chàng trai Bùi Văn Tính sinh ra, lớn lên ở miền cửa ngõ Tây Bắc, tỉnh Hoà Bình nhưng rồi duyên nợ cuộc đời lại đưa anh đến nơi cuối cùng của của xứ sở hoa Ban, tỉnh Lai Châu. Năm 1987, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, anh nhận công tác về Tiểu khu biên phòng Bum Tở của huyện Mường Tè. 20 năm trước khi huyện Mường Tè còn là mảnh đất của hổ, của voi, của rừng nguyên sinh bạt ngàn, của những bản người Hà Nhì, người Thái, người Mông... sống trong sự tăm tối lạc hậu. Mường Tè của những ngày sau chiến tranh biên giới ác liệt, phương tiện giao thông chính ở đây là đôi chân người và máy bay trực thăng (dùng tiếp tế lương thực, đạn dược, thuốc men), bác sĩ Tính đã lên đây để bắt đầu cuộc cách mạng của chính cuộc đời mình. Con đường ấy bắt đầu từ chính những dấu phân ngựa đầu tiên khi anh tìm đến với bản làng (đi theo dấu phân ngựa sẽ không bị lạc). Giữa rừng già, bên dòng sông Đà hung dữ, hành trang của anh chẳng có gì ngoài lòng nhiệt huyết và quyết tâm sẽ làm bác sĩ quân y ở đây. Ngày ấy, anh cùng với các cán bộ biên phòng đã tự tay vào rừng chặt cây dựng những lán khám bệnh đầu tiên cho dân. Có được cái vỏ của bệnh xá biên phòng rồi anh mới nhận ra cuộc chiến với những hủ tục lạc hậu, những tập quán ngàn đời, tư tưởng mông muội của bà con để họ tin và nghe theo thầy thuốc còn khó khăn bội phần. Bất đồng về ngôn ngữ, về nhận thức tưởng chừng đã có lúc khuất phục ý chí của người bác sĩ quân y. Nhưng anh đã vượt qua để khiến cho đồng bào tin vào khoa học, thuốc men, tin vào bác sĩ hơn là tin những linh hồn, thầy cúng hay bùa ngải. Người vùng cao đã không tin thì thôi, khi tin rồi thì rất mãnh liệt và bền bỉ. Từ chỗ phải lén lút, vụng trộm tìm cách vận động, cứu chữa cho người bệnh, bằng lòng kiên trì và hiệu quả công việc anh đã khiến bà con tự nguyện tìm đến anh để khám bệnh, để điều trị hay có khi để hỏi cả về con chó, con mèo.

Tấm bằng khen của cuộc đời

Kỷ niệm đẹp nhất trong đời người bác sĩ quân y ấy chính là khi anh quyết tâm thực hiện thành công việc xoá 8 xã trắng cuối cùng về tiêm chủng của cả nước. Năm 1995 Chương trình Quốc gia về tiêm chủng có nguy cơ không hoàn thành, khi 8 xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè không thể thực hiện được kế hoạch. Lý do địa hình hiểm trở, ngăn sông cách núi đã làm cho Chính phủ, Bộ Y tế và cả chính quyền địa phương đau đầu tìm cách khắc phục. Ngẫm kỹ vấn đề, anh hiểu rằng khó khăn nhất chính là việc bảo quản lạnh vắc-xin để đưa và các xã. Sau nhiều ngày trăn trở, cùng các đồng đội anh quyết tâm khởi sướng ý định thực hiện chiến dịch “cõng tủ lạnh” lên rừng để tiêm chủng. Cùng với nhân dân địa phương anh đã tha 4 chiếc tủ lạnh kèm 4 chiếc máy phát điện “nuôi tủ” đi khắp 8 xã biên giới hiểm trở nhất của Mường Tè. Nhớ lại chuyện đó, anh vẫn không tin là mình đã thành công vì việc tha tủ lạnh vào xã lúc đó có lẽ cũng gay cấn, nguy hiểm và gian khổ chẳng kém gì kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ. Những cảm giác ngẹt thở, thót tim, hồi hộp và lo lắng mỗi khi kéo tủ vượt đèo, qua suối (va chạm mạnh sẽ hỏng hết vắc-xin) vẫn còn theo anh đến tận bây giờ.

Huyện Mường Tè hoàn thành kế hoạch tiêm chủng và trở thành huyện chốt hạ cuối cùng của Chương trình tiêm chủng Quốc gia. Bộ Y tế đã tặng bằng khen cho bác sĩ quân y Bùi Văn Tính, nhưng đối với anh tấm bằng khen của cuộc đời mới thật sự ý nghĩa, đó là sự ghi nhận, niềm tự hào của đồng bào, của đồng chí dành cho chiến công đó sẽ còn là mãi mãi.

Bài và ảnh: Tây Trang