QĐND - Đang vui vẻ trò chuyện cùng mọi người trong ngày họp mặt đồng hương, chị bạn tôi bỗng thở dài, phàn nàn:

- Facebook (FB) bây giờ đúng là con dao hai lưỡi, đau đầu với thằng lớn nhà mình quá mọi người ạ! Đang chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới mà thấy cu cậu suốt ngày cập nhật thông tin trên FB bằng điện thoại, như thế làm gì có thời gian để ý đến học hành. Đi đâu, ăn gì, chơi gì, với ai, bàn tán mọi chuyện trong ngày, thậm chí nói xấu người khác… các cô, các cậu học trò cũng cập nhật lên FB.

- Thế sao chị không nói chuyện với cu cậu, hoặc tịch thu điện thoại?

- Chị cũng áp dụng nhiều cách, từ khuyên răn nhỏ nhẹ đến dùng kỷ luật, nhưng cu cậu bảo: Bây giờ các bạn toàn dùng FB để trao đổi bài hoặc là đưa tài liệu lên đấy để mọi người cùng tham khảo, vì thế không dùng FB là mất đi một nguồn kiến thức. Sau mỗi lần răn đe như thế, cu cậu có hứa sẽ sử dụng điện thoại đúng mục đích, không dùng FB ngoài việc học hành. Nhưng mà chả được bao lâu lại chứng nào tật ấy ngay, chán lắm…

Câu chuyện của chị bạn tôi có lẽ cũng là tình trạng phổ biến hiện nay trong các gia đình có con em đang tuổi ăn, tuổi học. Ra đời chưa lâu nhưng FB là một mạng xã hội đang có sức lan tỏa mạnh, đi đâu cũng thấy “tín đồ” của FB, từ học sinh đến những người nổi tiếng, giới văn phòng, nhà văn, nhà báo...  Có thể nói, hiện nay, FB đã trở thành công cụ giao tiếp khá phổ biến. Không thể phủ nhận những mặt tích cực của FB như có thể tìm kiếm được bạn bè cũ, hiểu được những người thân quen đang sinh sống ra sao và họ nghĩ gì. FB cũng giúp người sử dụng dễ dàng tạo dựng những diễn đàn, cơ hội để quy tụ những người cùng sở thích, cùng chia sẻ đam mê, cùng học tập…  Tuy nhiên, FB cũng đang gây nên những hệ lụy trái chiều, nhất là hiện tượng “nghiện FB” - dành quá nhiều thời gian cho những trò vô bổ. Riêng đối với lứa tuổi học sinh, dễ dàng nhận thấy những chuyện cãi cọ, đôi co nhau từ các dòng chia sẻ, hình ảnh được các cô, cậu học trò đưa lên FB. Cũng dễ gặp những học sinh “lang thang” trên FB cả ngày, để nói chuyện với bạn bè, tán tỉnh yêu đương, ảnh hưởng đến việc học tập…

Việc chính quyền, nhà trường hay cha mẹ học sinh cấm học sinh sử dụng FB là rất khó và không nên. Vì thế, điều quan trọng là người lớn cần căn dặn, định hướng cho con em những việc nên hay không nên trong việc sử dụng mạng xã hội này. Chỉ có sự tự giác, tự kiểm soát mới giúp lứa tuổi học sinh sử dụng FB một cách hợp lý, tránh những hệ lụy đáng tiếc.

THU THỦY