QĐND - Có thể nói, không nơi nào sản xuất nông nghiệp lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như ở đảo Lý Sơn. Song bằng kinh nghiệm của mình, hơn 10.000 nông dân đất đảo đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp ứng phó hiệu quả với khó khăn, khắc nghiệt, bảo vệ thành quả lao động, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nỗ lực chống hạn
Lý Sơn đang ở thời điểm ngô, lạc vào giai đoạn chắc hạt; hành tím chắc củ nên rất cần nước tưới. Khắp các cánh đồng ngày đêm vang tiếng máy chạy nước. Chị Nguyễn Thị Tâm, khu dân cư số 11, thôn Đông, xã An Vĩnh cho biết: “Mới đầu hạ đã hạn nặng. Cây màu lại đang trong giai đoạn cần nước nhất nên nông dân ai cũng vất vả với việc tìm nguồn nước tưới”. Chị Tâm loay hoay cả buổi sáng với việc vét giếng, khơi thông mạch ngầm tìm nước mà đám hành 2 sào mới chỉ tưới vừa ướt mặt ruộng. Máy bơm bật lên độ chừng 10 phút hết nước lại phải tắt, chờ nước hồi lại. Tưới phía trước, sau lưng nắng lại hong khô.
Ông Phạm Ái Việt, thôn Đông, xã An Vĩnh có 4 sào hành. Gia đình ông đào hẳn một cái giếng to trong ruộng để tạo nguồn nước tưới. Ông Việt bảo: “Mọi năm giờ này máy chạy cả ngày giếng không hết nước, năm nay thì nước hụt lắm. Cả nhà phải tập trung vét giếng để có nước tưới vì hành thiếu nước sẽ mất mùa”. Ông Việt than thở về cái giếng của gia đình mình rồi giới thiệu với chúng tôi về cái “giếng thần” của đảo ở cách ruộng hành nhà ông vài trăm mét: “Giờ này chỉ có cái giếng ông Lý là nhiều nước. Máy chạy vô tư suốt ngày đêm không cạn. Gần như cả đảo này nước tưới cho cây trồng đều dựa vào cái giếng ấy”.
 |
Giếng nước giữa những ruộng hành ở Lý Sơn.
|
Chúng tôi mục sở thị giếng ông Lý. Giếng nằm ngay cạnh đường ra ruộng giữa cánh đồng Đất Ruộng, thôn Đông, xã An Vĩnh. Quanh miệng giếng có đến năm bảy chục chiếc mô tơ, trong đó có 36 mô tơ đang hoạt động, chằng chịt đường ống dẫn nước. Quanh vùng này, ngoài giếng ông Lý còn có hàng trăm cái giếng khác nằm rải rác, có giếng chỉ cách nhau 5-7m. Nhà nào cũng muốn đào giếng riêng để chủ động nước tưới. Tuy nhiên, khi nhiều gia đình cùng đặt máy bơm thì mạch nước ngầm bị cạn kiệt, lại phải luân phiên tưới.
Hiện tại, trên nhiều cánh đồng ở Lý Sơn, nhiều hộ gia đình vẫn đang tiếp tục đào giếng. Những cái giếng miệng to hơn cái nong chiếm diện tích không nhỏ giữa những đám hành. Vì cố tìm nguồn nước tưới nên nhà nông Lý Sơn vẫn phải hy sinh đất để giếng “mọc lên”. Thời gian hoàn thành một cái giếng mất nhiều tháng. Số tiền bỏ ra từ 70 triệu đến 150 triệu đồng tùy vào giếng to hay nhỏ, đào sâu hay nông. Tuy tốn kém nhưng đã làm nông thì không thể đứng nhìn cây trồng chết hạn mà không cứu.
Tìm cách “né” thiệt hại
Diện tích đất nông nghiệp của Lý Sơn cấp cho mỗi khẩu chỉ khoảng 100m2. Nhưng với diện tích ít ỏi này, nhiều nông dân Lý Sơn vẫn sống khỏe nhờ trồng hành, tỏi và các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Theo tính toán của nông dân, nếu trồng cây hành, giá bán chỉ khoảng 18.000 đồng/kg, tỏi giá bán 40.000 đồng/kg là có lãi. Thế nhưng thời gian gần đây, hành và tỏi Lý Sơn giá bán luôn bấp bênh, do bị trà trộn hành, tỏi của các vùng miền khác. UBND huyện Lý Sơn và Hiệp hội Tỏi Lý Sơn đã nỗ lực bằng nhiều cách bảo vệ hành, tỏi Lý Sơn và kết quả ấy đang ngày càng chuyển biến rõ rệt. Hiện tại, giá tỏi Lý Sơn tại đảo 50.000 đồng/kg, hành 25.000 đồng/kg.
Một năm, Lý Sơn có 1 vụ tỏi và 3 vụ hành. Vụ tỏi kéo dài 6 tháng, từ tháng 8 năm trước đến đầu tháng 2 năm sau. Ngay sau khi thu hoạch tỏi, nông dân Lý Sơn nhanh chóng xuống giống vụ hành chính của năm. Cả đảo hiện tại có khoảng 200ha hành đang vào giai đoạn chắc củ, khoảng 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch. Vài năm trở lại đây, vào vụ hè, ngoài cây hành, nông dân Lý Sơn còn tập trung canh tác nhiều loại cây trồng khác như ngô, lạc, đậu đen, đậu xanh. Theo nông dân huyện đảo, chuyển đổi sang các cây trồng này thay cho hành là để tránh hạn. Hành thì cứ hai ngày tưới nước một lần; còn các cây trồng khác chịu hạn cao hơn, có thể một tuần mới phải tưới, thích ứng hơn với điều kiện thiếu nước tưới ở đảo vào mùa khô.
Ở Lý Sơn, thế mạnh về thổ nhưỡng đã đem lại đặc trưng về chất lượng của nhiều nông sản. Vì thế vừng, lạc, đậu đen, đậu xanh đã trồng ở đảo khi thu hoạch thường có giá bán cao hơn những nông sản cùng loại bán trên thị trường. Người nông dân Lý Sơn luôn tự tin khi mang nông sản của mình ra chợ. Với cây dưa hấu, do nhiều năm đầu ra khó khăn nên năm nay nông dân Lý Sơn không đua nhau trồng như trước nữa. Những cánh đồng dưa năm ngoái năm nay chỉ còn lác đác mấy vuông. Còn lại xanh hành, xanh lạc, xanh ngô lai. Đó là cách nông dân Lý Sơn tự cứu mình trước thị trường đầu ra cho nông sản còn thiếu ổn định, để né tránh thiệt hại, bảo vệ nghề nông giữa biển khơi này.
Bài và ảnh: THANH NHỊ