Những năm gần đây, ngành du lịch Hội An phát triển mạnh mẽ, và như một sự tương hỗ, các làng nghề truyền thống ở Hội An cũng đang hồi sinh và vươn lên với tốc độ khác nhau. Trong đó, nghề làm lồng đèn phát triển khá rầm rộ và ngày càng thu hút thêm nhiều khách hàng.
Du khách đến Hội An thích thú và lạ lẫm trước chiếc lồng đèn vải nhỏ, xinh xắn, đủ màu sắc được treo trước cửa những ngôi nhà cổ. Lúc đêm xuống, tắt hết ánh điện, màu đỏ dìu dịu của lồng đèn khiến cho cảnh đêm thêm huyền ảo và lung linh hơn. Họ đã hỏi thăm, tìm mua những chiếc lồng đèn ấy đem về nước. Còn nhớ thời kỳ đầu, có người thử đem ký gửi ở các quầy vải, quầy hàng lưu niệm trong khu phố cổ, thấy sản phẩm được tiêu thụ rất nhanh. Anh Vĩnh Thiện, chủ một cơ sở làm lồng đèn xuất khẩu khá quy mô ở xã Cẩm Nam (Hội An) kể lại: Trước kia, anh vừa làm mộc, vừa phụ với vợ bán vải trên đường Lê Lợi. Lúc vắng khách, anh ngồi làm lồng đèn chơi. Tình cờ, một khách hàng người Úc đến xem, thấy thích quá đã đặt mua 200 chiếc với giá mỗi chiếc 15.000 đồng. Nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, anh chuyển sang làm lồng đèn xuất khẩu và đã “phất lên” khá nhanh.
Cung cách làm ăn của anh Thiện cũng là xu hướng mà các chủ cơ sở sản xuất lồng đèn ở Hội An đang hướng đến. Hiện tại, ở Hội An có khoảng 60 hộ làm lồng đèn, trung bình mỗi tháng bán được khoảng 500 chiếc, giá bình quân từ 70.000 đến 100.000 đồng một chiếc cỡ lớn. Tre làm khung mua ở Điện Bàn, vải lụa thường là lụa Mã Châu hoặc lụa Hà Đông. Nghề làm lồng đèn đã giải quyết được một lượng lớn lao động ở địa phương. Một cơ sở lớn thường có từ 20 đến 30 nhân công, trung bình mỗi tháng bán được 800-1.000 chiếc, với doanh thu từ 50 đến 70 triệu đồng. Trong thao tác làm lồng đèn có sự phân công lao động rất rõ, thường thì nam uốn khung, nữ bọc vải, trang trí hoa văn. Quan trọng nhất là phải xử lý hóa chất nhuộm vải thật khéo để lồng đèn không bị ẩm mốc. Quy trình làm và hình dáng lồng đèn ngày nay cũng có những cải tiến so với trước. Vải làm lồng đèn hiện nay đã được hấp, nhuộm, xử lý trước khi lồng vào khung để hạn chế sai sót. Hình dáng lồng đèn trước kia chủ yếu là quả bí, nay đã được sáng tạo thêm nhiều hình khối như hình thoi, hình cái nơm… Thậm chí, có nơi còn dùng rổ tre, rổ nhựa, hoặc hoa cau, hoa dừa khô úp lại làm lồng đèn.
Cứ vào đêm 14 âm lịch hàng tháng, người Hội An lại hân hoan tổ chức đêm phố cổ. Các ngôi nhà (kể cả nhà hàng, khách sạn) trong khu phố cổ đều tắt hết điện, đem lồng đèn ra treo trước cửa. Dưới dòng sông Hoài, cũng có rất nhiều đèn lồng thả trôi trên mặt nước, tạo nên một vẻ đẹp lung linh, kỳ ảo. Hàng ngàn chiếc lồng đèn đủ kiểu, đủ màu và tỏa ra thứ ánh sáng dìu dịu, ấm áp, làm tái hiện một Hội An xưa, hết sức nên thơ và quyến rũ.
Khi nói về phương hướng kinh doanh, anh Thiện cho biết: “Tôi vẫn phải vừa làm, vừa tìm tòi thí nghiệm để sáng tạo thêm những mẫu mã mới. Có những lồng đèn, tôi làm dài tới 1,5 mét, bởi vậy phải tìm ra cách bảo quản”.
Tuy chưa có một cơ sở sản xuất lồng đèn nào ở Hội An đủ kinh phí để tham gia hội chợ trong và ngoài nước, song những người làm lồng đèn phố Hội đã có cách tiếp cận thị trường bằng con đường riêng. Họ dựa vào các công ty du lịch và chủ yếu bằng con đường du lịch để đến với khách hàng gần xa. Thiết nghĩ, nếu chú trọng mở rộng quan hệ giao dịch, quảng bá, xây dựng website để chào mời khách hàng, chắc chắn nghề làm lồng đèn ở Hội An sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa.
Một sinh viên ở thành phố Hồ Chí Minh đến Hội An chơi, đã tìm mua gần 30 chiếc lồng đèn nhỏ, đủ màu sắc để làm quà cho bạn bè. Nhiều du khách đến Hội An mang theo lời dặn dò nhớ tìm mua lồng đèn vải của người đã từng đến hoặc đã nghe về Hội An… Du khách đến rồi đi và hành trang ngày về của họ nặng thêm vì đặc sản và cả chiếc lồng đèn phố Hội. Người Hội An lại miệt mài ngồi làm những chiếc lồng đèn khác để chào mời, giới thiệu với khách thập phương.
TƯỞNG VĂN CÂN (quận Hải Châu-TP Đà Nẵng)
Lãng phí điện trong ký túc xá
Có đến hơn 90% các trường đại học và cao đẳng trong cả nước có ký túc xá (KTX) cho sinh viên ở. Những tiện ích mà KTX đem lại cho sinh viên thì khỏi phải bàn: môi trường học ổn định, an ninh tốt, … Tuy nhiên, có một điều đáng phải bàn về KTX đó là việc sử dụng điện.
Theo quy định, mỗi sinh viên trong một tháng được sử dụng miễn phí 5 số điện, nếu vượt quá con số đó thì Ban quản lý sẽ thu tiền. Mặc dù con số 5 không phải là lớn và chắc chắn là không đủ cho sinh viên sinh hoạt trong một tháng, thế nhưng cứ nhìn việc dùng điện của sinh viên trong KTX thì không ai là không khỏi thốt lên: Lãng phí quá! Các bóng đèn thắp sáng trên trần nhà được thắp liên tục ngày qua ngày, đèn học mỗi giường một chiếc và được bật sáng ngay cả khi chủ nhân của nó không có ở trong phòng, rồi mở đài, rồi chạy máy vi tính… Các thiết bị điện cứ việc hoạt động mà không có ai sử dụng. Do vậy, ngoài số điện được dùng miễn phí, mỗi sinh viên sống tại KTX thường phải đóng thêm khoảng 25.000 đồng/tháng cho Ban quản lý. Nếu tính mỗi số điện giá 900 đồng, thì một sinh viên dùng đến hơn 30 số điện/tháng cho tất cả hoạt động của mình (trong KTX không cho nấu cơm).
Nước ta đang trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Ngành điện đang kêu gọi toàn xã hội tiết kiệm điện, thì việc sử dụng điện không cần tính toán như sinh viên trong các KTX cần phải xem lại. Tiết kiệm điện không chỉ góp phần chung tay tiết kiệm điện cho nhà nước, mà còn tiết kiệm… tiền cho gia đình và chính bản thân mình nữa. Mong các bạn sinh viên sinh sống tại các KTX cần phải xây dựng cho mình thói quen sử dụng điện một cách hợp lý, tiết kiệm.
HẢI TÌNH (Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Loài tê tê đang có nguy cơ tuyệt chủng
Cân nặng khoảng 8 đến 15kg, chiều dài toàn thân từ 1 đến 1,4m, tê tê là loài thú có vú duy nhất có vảy lớn, thân và đuôi lớn và dài. Theo sách đỏ Việt Nam, phạm vi sinh sống của tê tê rất rộng, ở các tỉnh thuộc Tây Nguyên, trung du, miền núi phía Bắc và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Điều đáng nói là loài tê tê hiện đang nằm trong danh sách đỏ bởi sự săn lùng ráo riết để trở thành một món đặc sản trên các bàn nhậu, trong những bữa tiệc sang trọng của các thực khách lắm tiền, nhiều của hiện nay. Ngoài món thịt thơm ngon, mật tê tê cũng là thứ được nhiều người truy tìm. Chúng thường được cho vào rượu theo đơn đặt hàng của các đại gia trong các nhà hàng mà tiếng "dzô dzô" lúc nào cũng vang lên một cách náo nhiệt. Tê tê đã được Chính phủ cấm săn bắt, mua bán dưới bất kỳ hình thức nào nhưng vì lợi nhuận, việc vận chuyển và mua bán tê tê của các đối tượng ngày càng tinh vi, khó bề kiểm soát. Ở các quán nhậu, không bao giờ chủ quán để tê tê tại quán mà ký gửi ở nơi khác. Khi khách có nhu cầu thì nhanh chóng lấy về và làm thịt ngay. Địa điểm cất giấu tê tê được thay đổi thường xuyên. Chính vì vậy, công việc bắt giữ quả tang của các chi cục kiểm lâm gặp nhiều khó khăn.
Chỉ vì thú ăn chơi của con người, một loài vật quý có nguy cơ bị tuyệt chủng. Thần dược có hay không chỉ là chuyện đồn thổi, nhưng chuyện phạm pháp thì đã rõ. Để cứu tê tê khỏi nguy cơ tuyệt chủng, cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa của các ban, ngành, chức năng từ Trung ương đến địa phương như Cục kiểm lâm, Cục thú y, Cục hải quan, các đội cứu hộ... Đồng thời, có những biện pháp xử lý nghiêm khắc với các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết thịt tê tê; nâng cao biện pháp tuyên truyền đến người dân trong việc bảo vệ và tố giác, trợ giúp các cơ quan chức năng khi thực thi nhiệm vụ.
NGUYỄN THU TRÀ (Chi cục kiểm lâm Ba Vì, Hà Tây