QĐND - Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều làng nghề truyền thống phải ngừng hoạt động do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, thì người dân ở làng nghề đan cót xã Đạo Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) không chỉ đứng vững với nghề mà còn có nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sở dĩ nghề đan cót của Đạo Lý sống được cũng là nhờ người dân làm nghề sớm nắm bắt được thị trường và thay đổi kịp thời mẫu mã sản phẩm. Được biết, xã Đạo Lý có 8 thôn với hơn 2000 hộ, hầu hết các thôn đều làm nghề đan cót, trong đó thôn Sàng và thôn Thọ Chương có gần 100% số hộ theo nghề. Ông Nguyễn Văn Lớp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạo Lý, kể: "Trước đây, những hộ làm nghề trong xã chủ yếu là đan nong, nia, thúng, bồ đựng lúa, thóc... Đến nay, khi nhu cầu các mặt hàng trên rất thấp, họ đã nhanh chóng chuyển đổi sang  làm cót phục vụ cho các công trình xây dựng. Không dừng lại ở đây, người dân trong xã còn thay đổi mẫu, sáng tạo ra cót ép-sản phẩm cót dùng trải trên mặt cốt pha xây dựng để đổ bê tông"…

Cơ sở đan cót của gia đình ông Vũ Văn Chính cho thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Lớp cho biết thêm: Nghề đan cót là nghề thủ công khá đơn giản. Người làm nghề có thể trực tiếp truyền dạy kinh nghiệm cho nhau mà không cần học qua các lớp dạy nghề dài hạn như các nghề khác. Đây là một lợi thế giúp cho làng nghề tồn tại đến ngày hôm nay. Như cơ sở sản xuất của gia đình ông Vũ Văn Chính ở thôn Lưu không cần mở một lớp đào tạo nghề nào về đan cót, mà vẫn có hàng trăm công nhân lành nghề.

Tâm sự với chúng tôi, ông Vũ Văn Chính cho hay: "Là chủ cơ sở, tôi chỉ có nhiệm vụ nhập nguyên liệu tre, nứa về và chuyển đến cho từng gia đình trong thôn để họ tự làm ra sản phẩm, rồi mình đến thu mua là xong. Nghề này đơn giản, nhiều gia đình huy động cả con, cháu tham gia đan cót. Nghề đan cót đã giúp không ít gia đình trong xã tôi vươn lên ổn định cuộc sống"./.

Bài và ảnh: TRẦN QUANG