Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Sơn, 48 tuổi, ở thôn Trung Thôn, xã Phù Hóa (Quảng Trạch - Quảng Bình) từ sáng sớm, khi hai bố con đang ăn vội cơm để bắt đầu một ngày cào chắt chắt. Ông Sơn theo nghiệp cào chắt chắt trên sông Rào Nậy (thượng lưu sông Gianh) đã được hơn 20 năm, trước đó bố mẹ ông cũng sống bằng nghề này...
QĐND - Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Sơn, 48 tuổi, ở thôn Trung Thôn, xã Phù Hóa (Quảng Trạch - Quảng Bình) từ sáng sớm, khi hai bố con đang ăn vội cơm để bắt đầu một ngày cào chắt chắt. Ông Sơn theo nghiệp cào chắt chắt trên sông Rào Nậy (thượng lưu sông Gianh) đã được hơn 20 năm, trước đó bố mẹ ông cũng sống bằng nghề này.
Có gần 2/3 số hộ trong xã Phù Hóa đang theo đuổi nghề cào chắt chắt, phần lớn ngư dân hành nghề theo phương pháp thủ công. Gần ba năm nay, ông Sơn và vài ngư dân nữa đã nghĩ ra cách cào cải tiến - sử dụng đò máy với cào sắt buộc dây thừng dài khoảng vài chục mét, có gắn vợt lưới phía sau, nhờ vậy lượng chắt chắt thu được nhiều hơn.
Chắt chắt là loài sinh sôi nảy nở rất nhanh, đặc biệt là sau những cơn mưa dông. Suốt từ tháng Giêng đến khoảng cuối tháng 7 hằng năm, những người dân nơi đây miệt mài với công việc mưu sinh như thế. Ngư dân sẽ đem chắt chắt cào được bán cho tiểu thương các chợ đầu mối hoặc các nhà hàng, khách sạn ở Đồng Lê, Ba Đồn, Đồng Hới, rồi vào tận Đông Hà (Quảng Trị). Ông Sơn nói với chúng tôi, mỗi ngày ông thu được khoảng 2 tạ chắt chắt. Thời điểm hiện tại, 1 tạ chắt chắt bán được hơn 250 nghìn đồng. Trừ đi các khoản chi phí, mỗi ngày ông kiếm được khoảng 400 nghìn đồng.
Chắt chắt hấp dẫn nhiều người bởi đây là thức ăn ít bị tác động bởi các loại hóa chất. Hơn nữa, nó được chế biến nhiều món để ăn với cơm, bún, bánh đa, làm nhân cho ram cuốn... Nước luộc chắt chắt khi nấu với mít non, rau muống hay rau tập tàng sẽ cho ra những bát canh ngọt lành, thơm mát, rất hấp dẫn...
NGUYỄN TIẾN DŨNG