* 22 triệu học sinh, sinh viên đến trường

QĐND - Ngày 5-9, các trường học trên khắp mọi miền Tổ quốc tưng bừng tổ chức lễ khai giảng năm học mới và Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Năm học này, cả nước có gần 22 triệu học sinh, sinh viên các cấp từ mầm non đến đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Năm học 2006-2007 có ý nghĩa quan trọng bởi đây là năm học đầu tiên toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần X, tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 và đặc biệt là cán bộ, giáo viên quyết tâm thực hiện chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Điểm mới đáng chú ý của nhiệm vụ năm học này ở bậc trung học phổ thông, có hơn 1,2 triệu học sinh lớp 10 sẽ học theo chương trình phân ban với bộ sách giáo khoa mới gồm 3 ban: Ban cơ bản, Ban khoa học xã hội và nhân văn và Ban khoa học tự nhiên. Cũng từ năm học này, ngành giáo dục đưa chương trình tin học lớp 10 vào giảng dạy đại trà trong cả nước. Ở bậc giáo dục tiểu học, học sinh lớp 5 sẽ học theo chương trình, sách giáo khoa mới. Riêng các vùng khó khăn và vùng có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đẩy mạnh việc dạy và học chữ dân tộc như: tiếng Hoa, tiếng Ê Đê, tiếng Chăm, tiếng BaNa, tiếng Gia-rai, tiếng Khơ-me... Còn bậc giáo dục mầm non, năm học này sẽ thử nghiệm chương trình giáo dục mầm non mới, trong đó có lưu ý đến việc nâng cao chất lượng cho trẻ làm quen với văn học chữ viết... Ngoài ra, ngành giáo dục còn tiếp tục thực hiện các chương trình hoạt động khác nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các bộ môn và các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; chương trình kiên cố hóa trường học, khắc phục tình trạng học ca ba, phòng học cấp 4 xuống cấp, từng bước ổn định công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp...

* Tại Trường THCS Trưng Nhị (Hà Nội), Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức lễ phát động chủ đề của năm học mới 2006-2007 cho thiếu nhi cả nước là: "Thiếu nhi Việt Nam. Chăm ngoan học giỏi. Làm nghìn việc tốt. Tiến bước lên Đoàn". Đồng chí Nguyễn Lam, quyền Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương cho biết: Năm học 2006-2007 là năm tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Vì đàn em thân yêu"; thực hiện kết luận của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa VIII về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và xây dựng Đội Thiếu niên Tiền phong, giai đoạn 2006-2007. Để phát triển toàn diện về "Đức- Trí-Thể - Mỹ", các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng trong cả nước cần đẩy mạnh thi đua học tập, tu dưỡng đạo đức, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy để trở thành con ngoan, trò giỏi, trở thành Đoàn viên".

* Tại Khánh Hòa, ngành giáo dục phấn đấu năm học này không để học sinh phải học ca 3. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh - ông Lưu Quốc Thanh cho biết, năm học 2006-2007 toàn tỉnh đã đầu tư hơn 93 tỷ đồng xây dựng mới 209 phòng học, nâng tổng số phòng học hiện có lên 615 phòng. Cho đến thời điểm này, chuẩn bị khai giảng năm học mới, nhưng một số trường vẫn xây dựng chưa xong. Nhiều trường tuy đã nằm trong kế hoạch nhưng vẫn chưa được xây dựng mới... Tỉnh Khánh Hòa đang chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tốc độ thi công xây dựng trường học để kịp đưa vào năm học mới. Để tránh tình trạng học sinh phải học ca 3, ngành Giáo dục và chính quyền các địa phương đã thương lượng với các cơ quan, đơn vị mượn chỗ học tạm cho học sinh. Trường THPT Lạc Long Quân là trường cấp 3 duy nhất của huyện miền núi Khánh Vĩnh năm ngoái chỉ có 36 lớp, năm nay tăng lên 45 lớp, trong khi số phòng của trường hiện chỉ đủ cho 22 lớp học. Trường đã xúc tiến mượn thêm một số phòng học của Trung tâm dạy nghề Sông Cầu (thuộc Sở Lao động Thương Xã hội tỉnh) cách trường 3 km để cho học sinh học tạm...

* Tại Hà Tây, Thực hiện cuộc vận động "nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục", ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Tây đã bắt đầu từ việc đổi mới kỳ thi tuyển dụng công chức, giáo viên, trước khi bước vào năm học mới 2006-2007. Mấu chốt của vấn đề này là: các chỉ tiêu, tiêu chí và công đoạn tuyển dụng được công khai, để mọi người cùng giám sát. Cụ thể là: những giáo viên được tuyển thẳng, phải là những sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm loại giỏi hoặc giáo sinh đã có bằng thạc sĩ . Tất cả các khâu trong quá trình tuyển dụng như: ra đề thi, coi thi và chấm thi đều được đổi mới, giống như tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhằm tránh tiêu cực. Kỳ thi tuyển dụng công chức giáo viên bậc THPT tỉnh Hà Tây năm 2006 lựa chọn trong 2.025 "thí sinh" để tuyển dụng 731 người.

* Năm học mới 2006 - 2007, tỉnh An Giang khẩn trương chuẩn bị trường lớp, bàn ghế, trang thiết bị, phân công giáo sinh mới... sẵn sàng cùng cả nước khai giảng năm học mới.Tỉnh đã chọn năm học này là năm "Giáo dục" và tháng 8-2006 là "Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục An Giang", huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, phấn đấu 100% học sinh trong độ tuổi đến lớp. Năm nay An Giang thí điểm tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 học hai buổi/ngày. Toàn tỉnh đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng 872 phòng học, xây dựng 14 phòng học tạm cho các xã vùng sâu, miền núi thuộc các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn... đầu tư 5,62 tỷ đồng trang bị máy tính phục vụ giảng dạy tin học chính khóa... Nhiều nơi đã tiến hành quét vôi, tu sửa trường lớp, tráng xi măng sân trường, trồng cây xanh... tạo cảnh quan môi trường khang trang sạch đẹp cho các em phấn khởi bước vào năm học mới. Để bảo đảm công tác dạy và học trong mùa lũ, tỉnh và các huyện đã huy động phương tiện, chi 100% kinh phí đưa đón giáo viên, học sinh, không để các em phải nghỉ học trong mùa lũ. Địa phương nào để học sinh nghỉ học trong mùa lũ, địa phương đó phải chịu kỷ luật.

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2006-2007, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum đã trích 19,2 tỷ đồng để mua sắm sách, vở và trang thiết bị dạy học. Trong đó gần 3,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chương trình 168 để mua sách giáo khoa (684.160 bản); 1,5 tỷ đồng mua vở (532.100 cuốn) cấp phát cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số; hơn 9,7 tỷ đồng mua thiết bị dạy học và 4,5 tỷ đồng cấp cho 15 trường THPT và phổ thông DTNT để mua sắm máy tính phục vụ cho việc giảng dạy tin học ở các trường.

Thực hiện chương trình Kiên cố hóa trường lớp theo quyết định 159/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kon Tum được đầu tư xây dựng 593 phòng học, trị giá 65,23 tỷ đồng (bình quân 110 triệu đồng/phòng học), đến nay đã hoàn chỉnh bàn giao và đưa vào sử dụng 281 phòng học.

Bước vào năm học 2006-2007, Kon Tum hiện có 310 trường học các cấp, với 3.671 phòng (tăng 20 trường so với năm học 2005-2006. Trong đó: Mầm non: 93 trường (tăng 04); Tiểu học 112 (tăng 12); Trung học cơ sở: 96 (tăng 03) và phổ thông DTNT: 09 (tăng 01) so với năm học trước. Tỷ lệ học sinh so với năm học 2005-2006 tăng trên 5.400 em, trong đó DTNT tăng trên 3.800 học sinh.

* Tại Vĩnh Long, bước vào năm học mới, các cấp,các ngành và các tổ chức xã hội đã nỗ lực chăm lo cho học sinh nghèo, tạo điều kiện cho các em đều có quần áo mới, có đủ sách vở, dụng cụ học tập. Năm học 2006-2007, ngành giáo dục Vĩnh Long chỉ đạo các trường khắc phục khó khăn, nâng tỷ lệ học sinh tiểu học học hai buổi/ngày lên trên 40%, đồng thời nhân rộng mô hình dạy học hai buổi/ngày của trường PTCS Nguyễn Trường Tộ (thị xã Vĩnh Long) ra diện rộng. Đây là một trong các giải pháp thiết thực của ngành giáo dục tỉnh này nhằm giảm áp lực quá tải cho các trường trọng điểm và ngăn chặn tình trạng “chạy trường”. Theo đó, ngành sẽ tận dụng tối đa các phòng học dôi dư, giáo viên dự trữ cho việc dạy hai buổi trong ngày đối với học sinh tiểu học và thực hiện tốt việc dạy học các môn tự chọn cho các trường trung học

MINH TRƯỜNG MINH THÀNH, TRẦN HOÀI NAM, THANH GIANG và TTXVN