Là người từng được các “cò” môi giới dịch vụ làm GPLX ô tô, anh Lưu Minh Đức, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, khi biết mình có nhu cầu học để lấy GPLX ô tô, "cò" tư vấn rất nhiệt tình. Chỉ cần đưa chứng minh thư, đơn xin học và ảnh là họ sẽ hoàn tất mọi thủ tục nhập học, trong đó có cả giấy khám sức khỏe chứng nhận đủ điều kiện để học lái xe. Đối với các phần thi lý thuyết, "cò" bảo đảm sẽ “chống trượt" vì sẽ chỉ dẫn các mẹo để nhận biết dạng câu hỏi này sẽ có đáp án như thế nào. Theo đó, học viên chỉ cần phải vượt qua phần thi sát hạch lái xe ô tô trên đường, bởi từ giữa năm 2016, phần thi này sẽ được sử dụng các thiết bị chấm điểm tự động thay vì thi thủ công do cán bộ sát hạch chấm điểm, nên không thể can thiệp vào kết quả thi. Trước những lời mời chào đó, anh Đức đã từ chối vì cho rằng, học lái xe không chỉ để lấy GPLX mà quan trọng nhất là giúp anh hiểu luật, có khả năng lái xe một cách an toàn và có thái độ văn minh khi tham gia giao thông, nhất là trong các trường hợp chẳng may xảy ra va chạm.
 |
Xe thực hiện phần thi thực hành sát hạch cấp GPLX. |
Thực tế hiện nay cho thấy, công tác sát hạch cấp GPLX trong những năm gần đây đã có những bước cải tiến, nhiều trung tâm đào tạo lái xe có sự đầu tư, nâng cao chất lượng giảng dạy, thể hiện được tinh thần trách nhiệm trong việc đào tạo sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ và góp phần giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ sở đào tạo theo kiểu “học tủ, học mẹo”, thời gian học thực hành bị bớt xén, đơn vị đào tạo cũng là đơn vị cấp phép, nên chưa bảo đảm học viên có sự hiểu biết thực chất về các quy định và kỹ năng điều khiển phương tiện. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các vụ vi phạm luật giao thông, tai nạn giao thông trong thời gian qua.
Có thể nói, xã hội hóa công tác đào tạo lái xe là một bước tiến khá quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng khả năng cạnh tranh cũng như việc tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn cho người dân có nhu cầu học. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX, cần phân định rõ chức năng đào tạo và chức năng quản lý nhà nước trong sát hạch đào tạo cấp GPLX; tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra hoạt động đào tạo; quản lý đào tạo; sát hạch, cấp GPLX.
Việc nâng cao trách nhiệm và chất lượng trong đào tạo, sát hạch lái xe được xem là giải pháp lâu dài, bền vững trên lộ trình giảm tai nạn giao thông.
Bài và ảnh: ĐỒNG SƠN