Đầu tháng 1-2007, dư luận xôn xao về hai vụ dùng súng bắn người trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đáng lo ngại hơn, hành vi nguy hiểm đó xảy ra ở nhiều địa phương khác, trong đó nổi lên tình trạng sử dụng vũ khí tự tạo để gây án với những hậu quả nghiêm trọng.
Những vụ án mạng kinh hoàng
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ thanh toán, giải quyết mâu thuẫn giữa những kẻ côn đồ, băng nhóm tội phạm bằng các loại vũ khí khác nhau, trong đó có vũ khí tự tạo. Một số vụ dùng súng săn, súng săn cưa nòng gây án mạng vừa bị công an các địa phương xử lý cuối tháng 12-2006. Công an tỉnh Thái Bình bắt các đối tượng dùng súng săn cưa nòng bắn nhau gây án mạng; công an thành phố Hải Phòng triệt phá ổ nhóm lưu manh chuyên dùng súng săn và hung khí để đòi nợ thuê... (Còn nhớ năm 2005, các cơ quan pháp luật Vĩnh Phúc đã đưa ra xử lý trước pháp luật nhóm côn đồ chuyên đặt mìn tự tạo để trả thù. Nhóm này gây ra 13 vụ án nghiêm trọng, trong đó có cả việc đặt mìn phá mộ của một người đã chết).
Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ
Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ, đã bị phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Có tổ chức; vật phạm pháp có số lượng lớn; vận chuyển, mua bán qua biên giới; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
(Điều 233, Bộ Luật Hình sự)
|
Nhưng đáng báo động là tình trạng người dân tự giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng vũ khí tự tạo. Tại tỉnh Cao Bằng, chỉ tính từ năm 2002 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 14 vụ án hình sự mà đối tượng phạm tội dùng súng tự tạo gây ra cái chết cho 6 người và làm bị thương 13 người. Từ 1997 đến nay, tỉnh Bắc Kạn cũng có 47 vụ, làm chết 16 người, bị thương 31 người. Còn ở tỉnh Thanh Hóa, ngày 23-7-2006, do nghi ngờ vợ mình có quan hệ tình ái với anh Hà Văn Khâm là người cùng xã mà Vừ A Nụ, xã Phú Sơn, huyện Quan Hoá đã dùng súng kíp bắn chết anh Khâm. Cũng do mâu thuẫn, ngày 10-10-2006 Trương Dũng ở phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa đã dùng súng săn bắn anh Đỗ Đình Tuấn cùng phường. Không chỉ dùng súng, một số đối tượng còn dùng mìn tự tạo để giải quyết mâu thuẫn với nhau. Có những vụ tuy chưa gây hậu quả về tính mạng tài sản nhưng để lại hậu quả nặng nề về tinh thần vì các đối tượng chính là người thân. Xin nêu mấy vụ: do mâu thuẫn vợ chồng, vợ bỏ về nhà bố mẹ đẻ, ngày 7-10-2006, Nguyễn Văn Thanh ở xã Đại Yên, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đem 2 quả mìn tự tạo và một gói thuốc nổ đến đặt ở nhà bố vợ; còn Phạm Tuấn Phúc ở xã Châu Sơn, thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam thì ngày 25-11-2006 lấy 2 gói thuốc nổ có gắn dây cháy chậm và bật lửa dọa đốt ở ngay trong nhà mình chỉ vì bố đẻ không cho phép lấy xe máy đi dự đám cưới của bạn! Ngay tại Hà Nội, ngày 28-4-2006, Vi Thị Hải vì mẫu thuẫn trong tình yêu, ôm 3 quả mìn tự tạo đến nhà người yêu để trả thù, may mà công an phường Lê Đại Hành đã cùng người trong gia đình khống chế kịp. Nhưng đã có không ít vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với những cái chết đau lòng. Như ngày 25-9-2006, ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà xảy ra vụ Nguyễn Quốc Thanh giải quyết mâu thuẫn với vợ bằng cách cho nổ quả mìn tự tạo để sẵn trong người, khiến Thanh cùng vợ và đứa con nhỏ bị chết.
Cần sự quản lý chặt chẽ từ cơ sở
Qua các vụ việc xảy ra trong năm 2006 nêu trên cho thấy tính chất nguy hiểm và phức tạp của tình trạng gây án bằng vũ khí tự tạo. Chúng ta cần nhìn rõ thực trạng đó để có quyết tâm và giải pháp ngăn chặn hiệu quả bằng nhiều biện pháp đồng bộ, kiên quyết. Trước hết, đối với những kẻ lưu manh côn đồ, băng nhóm xã hội đen dùng vũ khí tự tạo để gây án thì phải kiên quyết trấn áp, xử lý bằng luật pháp. Chính quyền cơ sở và các tầng lớp nhân dân chủ động phối hợp với cơ quan công an cùng phát hiện, ngăn chặn tội phạm nguy hiểm này. Kịp thời đưa ra xét xử lưu động một số vụ án với mức án nghiêm khắc để răn đe, giáo dục. Đồng thời, khi nảy sinh mâu thuẫn cá nhân, từng người phải biết tự kiềm chế, không thể chỉ vì suy nghĩ bồng bột mà có hành vi manh động, vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Mọi mâu thuẫn đều có thể được giải quyết theo quy định của pháp luật, miễn là các bên biết tôn trọng công tác hoà giải, phát huy sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, dòng họ và hiểu biết, thực hiện theo đúng quy định của luật pháp. Bên cạnh đó rất cần sự theo dõi, quản lý chặt chẽ của chính quyền, cơ quan chức năng về con người cũng như vấn đề sản xuất và sử dụng vũ khí tự tạo. Những quy định về vũ khí tự tạo cần phải được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để quản lý tốt hơn, tìm mọi cách khắc phục triệt để việc tự tạo vũ khí, nhất là làm súng kíp ở một số tỉnh miền núi. Công tác thu hồi vũ khí nói chung và vũ khí tự tạo nói riêng trong nhân dân thời gian qua nhiều địa phương làm khá tốt. Tỉnh Cao Bằng chỉ sau một năm vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ đã thu được gần 13.000 khẩu súng các loại. Thành phố Hà Nội trong năm qua cũng thu hồi gần 50 khẩu súng, hơn 1,77 vạn viên đạn các loại, hơn 600 vũ khí thô sơ... Tuy nhiên còn có nơi xem nhẹ dẫn đến người dân vẫn giấu giếm chưa giao nộp hết. Công việc này thường chỉ được chú ý vào những thời điểm nhất định chứ chưa trở thành việc làm thường xuyên, liên tục và triệt để. Đây là thực tế đáng lo ngại, tiềm ẩn các nguy cơ khôn lường mà Nhà nước, chính quyền cơ sở, ngành công an và từng người dân phải chủ động, tự giác tìm biện pháp khắc phục, ngăn chặn và thực hiện có hiệu quả cao nhất.
PHẠM VĂN HUẤN