Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đặng Hồng Sơn, Giám đốc nhà máy nhấn mạnh: Từ Xưởng X10 đến Nhà máy Z117 là 66 năm nhiều gian khó nhưng cũng rất tự hào. Đến nay, Nhà máy Z117 đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng cả nhiệm vụ quốc phòng, kinh tế, khẳng định uy tín không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.
Sản xuất kinh tế góp phần phát triển năng lực sản xuất quốc phòng
 |
Đại tá Đặng Hồng Sơn. |
Phóng viên (PV): Nhà máy Z117 được định danh là một trong những doanh nghiệp cơ khí xuất khẩu uy tín hàng đầu của quân đội. Theo đồng chí, đâu là nền tảng để nhà máy có được thành tích trên?
Đại tá Đặng Hồng Sơn: Để có được kết quả này, trong suốt hành trình phát triển, Đảng ủy, chỉ huy nhà máy luôn nhận thức rõ, Nhà máy Z117 là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; xác định phát triển kinh tế là thực hiện chủ trương lưỡng dụng dây chuyền quốc phòng nhằm duy trì và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng; nâng cao năng lực điều hành, quản lý cho đội ngũ cán bộ và tay nghề cho người lao động. Việc xây dựng chiến lược đào tạo nhân lực, đổi mới khoa học công nghệ dựa trên cơ sở khai thác dây chuyền sản xuất quốc phòng hiện có, đã cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh và uy tín đối với bạn hàng được nâng lên.
PV: Được biết, có thời điểm, sản lượng sản xuất của nhà máy có nguy cơ sụt giảm mạnh khi nhà nhập khẩu lớn trên thế giới dừng một số đơn hàng. Vậy ban lãnh đạo nhà máy đã làm gì để vượt qua thời điểm khó khăn đó, thưa đồng chí?
Đại tá Đặng Hồng Sơn: Tháng 1-2019, tôi nhận nhiệm vụ Giám đốc nhà máy, đây cũng là thời điểm Tập đoàn IKEA của Thụy Điển dừng ký đơn hàng sản xuất 1 loại bát inox có sản lượng lớn nhất trong số 3 loại bát nhà máy đang sản xuất. Để giữ ổn định và mở hướng đi mới cho nhà máy, tôi cùng lãnh đạo, chỉ huy nhà máy quyết liệt nghiên cứu nhu cầu thị trường, tìm kiếm thị trường mới, đối tác mới, dựa trên chính thế mạnh ngành nghề và nền tảng của doanh nghiệp. Nhà máy đã khai mở thành công thị trường Hoa Kỳ với việc ký kết hợp đồng với Công ty Sino Concord bằng sản phẩm giường gấp xuất khẩu. Năm đầu (2020), nhà máy ký hợp đồng sản xuất với sản lượng 60.000 chiếc giường/tháng; theo thỏa thuận, sản lượng đặt hàng nâng cao qua các năm, đến năm 2024, sản lượng xuất khẩu cho đối tác là 70.000-80.000 chiếc giường/tháng.
Từ thành quả đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn cho sản xuất trong nước, nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, người lao động thất nghiệp, thu nhập thấp nhưng đối với Nhà máy Z117 năm 2020 và năm 2021 có sự bứt phá mạnh mẽ. Kết quả này đã được ghi nhận: Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua năm 2020, năm 2021; Bộ Công Thương công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2020.
PV: Cụ thể, nhiệm vụ sản xuất kinh tế đã có đóng góp quan trọng như thế nào trong quá trình xây dựng và phát triển đơn vị, thưa đồng chí?
Đại tá Đặng Hồng Sơn: Từ chỗ chỉ gia công các chi tiết cho xuất khẩu theo đơn đặt hàng, đến nay, chúng tôi đã sản xuất hoàn chỉnh sản phẩm với hàng chục mẫu mã khác nhau, xuất khẩu trực tiếp và bán sản phẩm nội địa; chủ động hơn trong đàm phán, lựa chọn đối tác khách hàng. Một số sản phẩm của nhà máy có chất lượng tương đương khu vực và thế giới như: Hàng công nghiệp phụ trợ lắp ráp xe máy, máy may công nghiệp, lắp ráp dân dụng; hàng cơ khí tiêu dùng. Ngoài việc duy trì sản xuất các sản phẩm truyền thống xuất khẩu (bát, bếp...), những năm gần đây, nhà máy đã tìm kiếm và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu sang châu Mỹ với giá trị lớn, đơn hàng ổn định.
Từ năm 2012 đến 2021, tăng trưởng bình quân về sản xuất kinh tế hằng năm 8,4%; tỷ trọng lợi nhuận từ kinh tế chiếm gần 60%; thu nhập của người lao động tăng trưởng bình quân 8%/năm.
 |
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Z117. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Đầu tư dây chuyền hàm lượng công nghệ cao
PV: Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Với Nhà máy Z117, đâu là những khó khăn nổi cộm trong giai đoạn hiện nay, thưa đồng chí?
Đại tá Đặng Hồng Sơn: Dịch Covid-19 với các biến thể mới đang là mối nguy cơ ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đáng lưu ý, những căng thẳng địa chính trị trên thế giới đã đẩy giá cả hàng hóa leo thang, gia tăng áp lực lạm phát tại nhiều quốc gia khiến sức mua giảm, hàng tồn kho lớn nên những đơn hàng của các doanh nghiệp nói chung, nhà máy nói riêng trong những tháng cuối năm 2022 sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là thép, giá xăng dầu, chi phí logistics... đã tác động rất lớn tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
PV: Theo đồng chí, đâu là giải pháp chiến lược để nhà máy vượt qua những khó khăn hiện nay, cũng như tạo nền tảng để phát triển bền vững?
Đại tá Đặng Hồng Sơn: Trong bối cảnh hiện nay, để sản xuất kinh tế có hiệu quả, kinh nghiệm của Nhà máy Z117 là giữ vững ổn định khách hàng truyền thống; phát triển, tìm kiếm đối tác có uy tín ở các thị trường lớn như: Châu Á, châu Âu, châu Mỹ...; đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý như: Nâng cao hiệu quả dây chuyền sản xuất, quản lý tài chính, quản lý vật tư, lựa chọn giá tốt, nắm bắt kịp thời chính sách mới của Nhà nước để vận dụng, điều tiết kế hoạch sản xuất phù hợp.
Về dài hạn, để nâng cao sức cạnh tranh, nhà máy tập trung cải tiến, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao tính ổn định của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khách hàng trong thời gian ngắn nhất. Liên doanh, liên kết với các đơn vị để tạo ra chuỗi cung ứng, tận dụng được thế mạnh của từng đơn vị nhằm nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng và giá.
Đáng chú ý, hiện nay, một số nước có nhu cầu đặt hàng quốc phòng lớn. Do đó, các nhà máy công nghiệp quốc phòng nói chung, Nhà máy Z117 nói riêng cần sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan trong tiếp cận với các thị trường này để đánh giá và xác định những mặt hàng mà các nhà máy có thể làm được và cung cấp cho các đối tác chiến lược trong phạm vi luật pháp quốc tế cho phép.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
MINH DUNG (thực hiện)