Dẫn dắt đà tăng trưởng

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2022 tăng 8,6%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,1%; khai khoáng giảm 5,2%. Trong 9 tháng năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo có Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 19,6%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc tăng 17,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 14,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 8,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,2%. Một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ: Sản xuất máy móc, thiết bị giảm 26,2%; sản xuất da và các sản phẩm từ da giảm 5,4%; công nghiệp dệt giảm 4,8%; sản xuất trang phục giảm 4,1%; sản xuất kim loại giảm 2,9%.

TS Vũ Thị Thanh Huyền, Trường Đại học Thương mại nhận định, trong những năm qua, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng của thành phố. Xét về cơ cấu, nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng. Trong giai đoạn 2012-2019, Hà Nội có chỉ số sản xuất công nghiệp thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. Tuy nhiên, xét từ giai đoạn 2019-2022, chỉ số này đã được cải thiện ở mức cao hơn mức trung bình của cả nước.

Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thành phố Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức lớn, như: Giá trị gia tăng thấp, sản xuất mang tính chất gia công, sự liên kết với các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế... Điều này đang tạo ra thách thức trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Thủ đô. Do vậy, đòi hỏi cần có nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ hơn nữa để có thể gia tăng giá trị sản xuất, thúc đẩy sự tham gia của ngành vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: PHẠM HÙNG

Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Trong cơ cấu tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thấp và trung bình chiếm đến hơn 60%. Các doanh nghiệp công nghiệp, gồm cả những doanh nghiệp nhà nước lớn cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư thoả đáng cho đổi mới công nghệ, cũng như không có khả năng, không đủ nguồn lực đầu tư cho công nghệ. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam là dưới 0,5% doanh thu, trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%, TS Vũ Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi

Các chuyên gia phân tích, kinh nghiệm từ quốc tế cho thấy công nghiệp chế biến, chế tạo là con đường phát triển để tạo nên sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Do vậy, để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì chính quyền Thủ đô cần tập trung xây dựng, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp; phát triển các doanh nghiệp công nghiệp mạnh, các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước. Đồng thời tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp Thủ đô có thể lớn mạnh, tạo ra giá trị gia tăng trong nước lớn hơn, kết nối được với khu vực đầu tư nước ngoài. Phát triển hiệu quả các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất để góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đang tập trung phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng về giao thông với các tuyến đường vành đai, các tuyến metro để kết nối giao thông với khu vực nội đô. Ngoài ra, thành phố đang tập trung phát triển 25 khu công nghiệp, trong đó, có 10 khu công nghiệp hiện đã được lấp đầy và đang hoạt động. Đối với 15 khu công nghiệp còn lại đang được triển khai các định hướng đầu tư, phát triển hạ tầng, hệ thống phụ trợ để thu hút đầu tư. 

Trong Kế hoạch số 204-KH/TU ngày 10-9-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030: Hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố có ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu là 80%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 90% ngành công nghiệp Hà Nội.

NGUYỄN ANH VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.