Nút giao thông Phan Đình Phùng-Hàng Cót (Hà Nội) trong giờ “cao điểm” Ảnh: XUÂN GỤ

*Đón Tết Mậu Tý an toàn, không pháo nổ

“Quyết tâm của Chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, năm 2008 phải kiềm chế, giảm tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông. Trước mắt, phải thực hiện bằng được giảm TNGT, giảm số người chết và không có pháo nổ trong dịp Tết Mậu Tý…” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy khi đến dự, chỉ đạo Hội nghị An toàn giao thông toàn quốc diễn ra hôm qua (24-1) tại Hà Nội.

Bước “tạo đà” quan trọng

Theo báo cáo tại hội nghị của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Hồ Nghĩa Dũng: Năm 2007, toàn quốc xảy ra 14.624 vụ TNGT, làm chết 13.150 người, bị thương 10.546 người, so với năm 2006 giảm 77 vụ (0,52) giảm 740 người bị thương (6,56%) nhưng số người chết tăng 411 người (3,23%). Toàn quốc có 35 địa phương giảm được số người chết; 29 địa phương số người chết tăng (Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm khắc phê bình) trong đó 9 tỉnh, thành phố có số người chết vì TNGT vượt quá con số 300 người gồm: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Đắc Lắc, Hà Tây, Bình Dương, Bình Định, Gia Lai, Bình Thuận. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm, số vụ TNGT tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; riêng tháng 2-2007 (tháng có Tết Đinh Hợi) TNGT tăng “kỷ lục” với hơn 1.500 vụ, làm chết 1381 người, bị thương 1301 người, là tháng có số người chết vì TNGT cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Chỉ rõ những tồn tại, bức xúc và thiệt hại lớn về người, tài sản do TNGT, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia đồng thời biểu dương, đánh giá cao chuyển biến, tiến bộ rất quan trọng trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) những tháng cuối năm 2007, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ và quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy. Năm 2007 là năm có số phương tiện đăng ký mới tăng cao nhất trong những năm gần đây (ô tô tăng hơn 13,7%; mô tô tăng 16,6% so với năm 2006) tạo áp lực lớn lên hạ tầng giao thông, nhưng đối chiếu với chỉ tiêu đề ra của Chính phủ tại Quyết định 128, đã có 9 địa phương thực hiện giảm được từ 5 đến 10% số người chết vì TNGT so với năm 2006 gồm: Điện Biên, Cà Mau, Hà Tây, Hòa Bình, Kiên Giang, Lai Châu, Nam Định, Nghệ An, Tuyên Quang. Cục Đường bộ Việt Nam đã quyết định đầu tư, xử lý dứt điểm 134 “điểm đen” tai nạn trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; qua theo dõi, tại các “điểm đen” đã xử lý hầu như không còn xảy ra TNGT.

5 tháng cuối năm 2007 thực hiện Nghị quyết 32, TNGT đã giảm cả số vụ, số người chết, bị thương so với cùng kỳ năm 2006 và 5 tháng trước đó; riêng số người chết đã giảm từ 7,2% trong 6 tháng đầu năm xuống 3,2% vào thời điểm cuối năm. Đặc biệt, việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy đã được tuyệt đại đa số người dân hưởng ứng, chấp hành nghiêm, tỷ lệ chấn thương sọ não giảm rõ rệt.

Chính phủ và Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá: Những kết quả trên là hết sức quan trọng, có ý nghĩa lớn, tạo “đà” và niềm tin để thực hiện mục tiêu kiềm chế, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trong năm 2008.

Đề cao trách nhiệm trước nhân dân

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt câu hỏi, đồng thời cũng xác định trách nhiệm của các bộ, ban ngành, cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong việc bảo đảm TTATGT, bảo đảm an toàn cho người dân tham gia giao thông, đó là: Vì sao 35 tỉnh, thành phố đã giảm được người chết do TNGT, trong khi 29 tỉnh, thành phố lại gia tăng? Theo Thủ tướng, trong tình hình khó khăn, phức tạp chung, như ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân còn thấp, cơ sở hạ tầng bất cập, phương tiện giao thông tăng nhanh… các địa phương giảm được tai nạn và thiệt hại, yếu tố hết sức quan trọng là sự quan tâm thường xuyên, giải pháp lãnh đạo phù hợp của cấp ủy, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, đồng bộ của chính quyền, sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị.

Kiềm chế, từng bước giảm TNGT là vấn đề phức tạp, nhưng không phải không làm được, bằng chứng là khá nhiều địa phương đã thực hiện hiệu quả. Một thực tế sinh động là việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy “đụng chạm” đến thói quen, ý thức, tâm lý… của hàng chục triệu người, nhưng nhờ quyết tâm cao, tiến hành đồng bộ các giải pháp, có “lộ trình”, bước đi phù hợp, nên đã đạt kết quả rất cao. Việc giải quyết loại bỏ xe công nông, xích lô máy, xe ba, bốn bánh tự chế… không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, Chính phủ đã có “lộ trình” chuẩn bị trong 4 năm, một số địa phương như Nam Định, Thái Bình, Cần Thơ, An Giang… đã giải quyết khá triệt để, nhưng cũng có nơi người dân chưa “thông”, chưa được chính quyền quan tâm giúp đỡ chuyển nghề, chuyển đổi phương tiện phù hợp, nên hiệu quả chưa cao. Theo Thủ tướng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông phải được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của Chính phủ và chính quyền các cấp; đề cao trách nhiệm, tận tụy, vì an toàn của xã hội, trách nhiệm cộng đồng và hạnh phúc của nhân dân.

Không chạy theo chiến dịch, phong trào

Để thực hiện kiềm chế, giảm cả số vụ, số người chết, bị thương do TNGT trong năm 2008, trong đó, theo Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Hồ Nghĩa Dũng, toàn quốc phấn đấu giảm hơn 7% số người chết, là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nỗ lực, cố gắng rất cao của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Rút kinh nghiệm “xương máu” của năm 2007, trong 6 tháng đầu năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, TNGT gia tăng quá cao, nhưng chưa có sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt để kiềm chế kịp thời, tại hội nghị an toàn giao thông toàn quốc, đại biểu các bộ, ban, ngành, địa phương đều nhất trí cao với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Phải tiến hành các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kiên trì… ngay từ những tuần đầu, tháng đầu của năm 2008; đặc biệt, phải bảo đảm cho nhân dân đi lại, đón Tết Mậu Tý an toàn, không có pháo nổ.

Các “nhóm giải pháp” được Chính phủ và Ủy ban ATGT quốc gia chỉ đạo thực hiện gồm: Công tác tuyên truyền, vận động tiếp tục được coi trọng, đặt lên hàng đầu để người dân tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Kết hợp chặt chẽ tuyên truyền giáo dục với tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; kết hợp tổ chức, hướng dẫn giao thông với phát hiện, giải quyết kịp thời các bất hợp lý, “điểm đen” TNGT. Từng địa phương phải tập trung chỉ đạo bảo đảm TTATGT thường xuyên, liên tục, kiên trì, kiên quyết, lựa chọn giải pháp và bước đi phù hợp đối với từng vấn đề, lĩnh vực; không làm theo kiểu “chiến dịch, phong trào”, không duy trì được kết quả lâu dài, thậm chí dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT sẽ tiếp tục được tăng cường. Năm 2008, một trong những “mảng” công tác được ưu tiên là sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ; lập lại hành lang trật tự an toàn giao thông và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Một vấn đề “thời sự” được nhiều đại biểu và phóng viên các báo đài quan tâm là việc giải quyết xe công nông, xe tự chế ba bánh, bốn bánh không bảo đảm an toàn. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Đây là một chủ trương đúng, đã có lộ trình và bước đi phù hợp; một số nơi đã thực hiện tốt. Chính quyền các địa phương cần quan tâm giúp đỡ cho vay vốn, chuyển nghề, chuyển đổi phương tiện… để bà con có việc làm, ổn định cuộc sống, nhất thiết không để người dân “vì nghèo, vì miếng cơm manh áo” mà sử dụng những phương tiện không bảo đảm an toàn, mỹ quan… tham gia giao thông, chở người, hàng hóa. Không chỉ các loại xe tự chế trên, mà phải dần tiến tới mục tiêu: Tất cả các loại phương tiện bảo đảm an toàn kỹ thuật mới được tham gia giao thông.

Phạm Quân