Cơn sốt dâu tằm

40 năm kể từ ngày có mặt trên mảnh đất Lâm Đồng, nghề tằm tang tại Bảo Lộc đã trải qua nhiều thăng trầm. Sau giai đoạn hoàng kim dưới thời của Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri) vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, dâu tằm Lâm Đồng nói chung, Bảo Lộc nói riêng, bước vào giai đoạn khủng hoảng kéo dài do thị trường truyền thống sụp đổ, công nghệ lạc hậu và cơ chế quản lý nhiều bất cập. Từ hơn 3.000ha dâu vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, diện tích dâu tại địa phương liên tục thu hẹp chỉ còn vài trăm héc-ta; nhiều công ty, nông trường phá sản, giải thể; nông dân trồng dâu, nuôi tằm chuyển sang trồng cà phê, chè, cây ăn quả. Những nhà máy xe tơ, dệt lụa hoang tàn, đổ nát, chìm khuất dưới ngút ngàn cỏ dại.

Dệt lụa tại Công ty Hà Bảo Silk, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi trong khoảng 5 năm trở lại đây. Về với Bảo Lộc những ngày này, người ta có thể cảm nhận được “cơn sốt” dâu tằm đang nóng hơn bao giờ hết. Những vườn dâu đã xanh trở lại và mở rộng không ngừng. Hàng chục nhà máy ươm tơ, dệt lụa hoạt động hết công suất. Ông Nguyễn Ngọc Viên, ở thôn 3, xã ĐamBri, TP Bảo Lộc phấn khởi cho biết: “Kén tằm đang được giá. Gia đình tôi vừa chuyển 3 sào cà phê sang trồng dâu, nuôi tằm, đưa diện tích dâu tằm lên 5 sào. Thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng”.

Theo ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch UBND xã ĐamB'ri: Nhờ giống mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vài năm trở lại đây, năng suất dâu và kén tằm tăng vọt. Nếu trước kia, năng suất lá dâu chỉ đạt khoảng 8 tấn/ha thì nay đã lên tới 30 tấn/ha; năng suất kén từ 0,6 tấn/ha dâu lên 2,5 tấn/ha dâu. So với các loại cây trồng, như: Cà phê, cây ăn quả, chè... thì trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần, đạt 300 triệu đồng/ha/năm. Ngoài giá cao, nghề trồng dâu nuôi tằm còn có thế mạnh là chi phí đầu tư ban đầu thấp, thu hồi vốn nhanh, tận dụng được nguồn lao động tại chỗ... “Cách đây khoảng 10 năm, toàn xã chỉ khoảng vài chục héc-ta thì đến nay diện tích đã mở rộng lên 483ha với 700/2.800 hộ trong toàn xã tham gia nghề trồng dâu, nuôi tằm. Thu nhập từ nghề tằm tang góp phần quan trọng làm thay đổi đời sống kinh tế-văn hóa ở địa phương”, ông Nguyễn Văn Hán phấn khởi cho biết.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế (UBND TP Bảo Lộc), hiện trên địa bàn thành phố có 24 doanh nghiệp và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tơ lụa; trong đó có 11 doanh nghiệp ươm tơ, 9 doanh nghiệp xe tơ, dệt lụa, 4 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng tơ lụa. Sản lượng trung bình hằng năm đạt gần 1.000 tấn tơ và 3,02 triệu mét vuông lụa. Ngoài Bảo Lộc là vùng sản xuất tơ lụa tập trung, nghề trồng dâu, nuôi tằm cũng phát triển rất mạnh tại các huyện, như: Đức Trọng, Lâm Hà, Đạ Tẻh... đưa tổng diện tích toàn tỉnh lên gần 8.000ha dâu, sản lượng hằng năm đạt 4.000 tấn tơ, gần 6 triệu mét vuông lụa. Tơ lụa Bảo Lộc đang được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu đi châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc…

Con đường tơ lụa còn nhiều bấp bênh

Sự hồi sinh mạnh mẽ của tơ lụa Bảo Lộc đang mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội to lớn. Tuy nhiên, điều này cũng chứa đựng nhiều nguy cơ rủi ro vì tình trạng sản xuất tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu sự chủ động trong nguồn giống cùng công nghệ chế biến, bảo quản lạc hậu.

Tằm là loài côn trùng đòi hỏi môi trường sống sạch. Bất kỳ sự thay đổi nhỏ nào của môi trường, thời tiết đều có thể khiến tằm bị bệnh và chết. Trước đây, khi còn Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, ngành tằm tơ tại Bảo Lộc được quy hoạch khá bài bản với những nông trường, nhà máy quy mô lớn, riêng biệt, sản xuất theo mô hình khép kín cùng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Tuy nhiên, hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm đang phát triển tự phát, sản xuất theo kiểu “xen canh”. Dâu được trồng xen với cà phê, chè, rau, cây ăn quả; tằm chủ yếu được nuôi trong các hộ gia đình. “Điều này ẩn chứa nhiều nguy cơ dịch bệnh. Ví dụ, chỉ cần vườn cà phê bên cạnh phun thuốc sâu, gió đưa hơi thuốc bay sang vườn dâu. Tằm ăn phải loại dâu này sẽ lăn ra chết hàng loạt, không thể cứu vãn. Chúng tôi đã nhiều lần bị như thế rồi”, bà Nguyễn Thị Hoa, người có nhiều kinh nghiệm về trồng dâu, nuôi tằm ở xã ĐamB'ri cho biết.

TP Bảo Lộc hiện có hai đơn vị cung ứng trứng tằm là Công ty Cổ phần giống tằm Bảo Lộc và Trung tâm Lâm nghiệp Lâm Đồng. Tuy nhiên, sản lượng trứng chỉ đủ cung cấp khoảng 10-15% nhu cầu. Số còn lại người dân đều phải mua trứng có nguồn gốc từ nước ngoài, được nhập qua con đường tiểu ngạch, chưa qua kiểm định của cơ quan chức năng, chất lượng không bảo đảm.

Ông Nguyễn Quốc Bắc, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc thừa nhận: Mặc dù đã có sự hồi sinh mạnh mẽ nhưng ngành tơ lụa Bảo Lộc phát triển chưa bền vững. Ngoài những yếu tố kể trên thì công nghệ xe tơ, dệt lụa khá lạc hậu do các nhà máy đang phải tận dụng lại những máy móc cũ trước đây, mẫu mã các mặt hàng tơ lụa chưa thực sự đa dạng, bắt mắt. Hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư ngành hàng tơ lụa chưa được chú trọng. Do giá thành cao, khó sử dụng nên tơ lụa vẫn là mặt hàng khá xa xỉ, chưa phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt Nam. “Thời gian qua, địa phương đã có nhiều nỗ lực, như: Tổ chức chương trình “Hương trà-sắc tơ” trong Festival hoa Đà Lạt 2017, thường xuyên gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp, nhất là về tín dụng, đất đai. Thành phố cũng đang quy hoạch lại vùng sản xuất và lên ý tưởng xây dựng “Trung tâm văn hóa tơ lụa” nhằm đẩy mạnh quảng bá, hợp tác, đầu tư. Tuy nhiên, để tơ lụa Bảo Lộc vươn xa, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương về khoa học và kỹ thuật, nhất là nguồn giống tốt, công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại, tăng cường hợp tác quốc tế và giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài", ông Nguyễn Quốc Bắc chia sẻ.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG