Hôm qua, Hội nghị của Chính phủ về hoạt động xã hội hóa đã hoàn thành chương trình làm việc, với chuyên đề xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo và dạy nghề. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì phiên họp.

Giờ học ở lớp bán trú dân nuôi Trường PTCS Đồng Sơn (Hoành Bồ, Quảng Ninh). Ảnh: Internet

Những kết quả về việc làm được và chưa làm được, giải pháp trong thời gian tới được các đại biểu nêu lên rất rõ ràng.

Kết quả đáng kể nhưng mới chỉ là bước đầu

Theo đồng chí Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì qua hai năm thực hiện Nghị quyết 05 của Chính phủ, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo tăng nhanh. Mức đầu tư là 20% tổng chi của ngân sách nhà nước, vượt chỉ tiêu trước 3 năm. Hầu hết các địa phương cũng dành tỷ lệ chi tương xứng, cùng nguồn thu xổ số kiến thiết. Nguồn lực của nhân dân đầu tư rất đáng kể, hình thức phong phú, từ đóng góp tiền, đất, vật liệu, công sức... cùng sự góp phần của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội trong và ngoài nước. Trách nhiệm và tính tự chủ, năng động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục ngày càng nâng lên. Các cơ sở ngoài công lập có bước phát triển mới. Nhờ vậy, hệ thống giáo dục chúng ta đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Các dẫn chứng được nêu lên là: Số người đi học không ngừng tăng lên. Năm học 2006-2007, có 22.988.347 học sinh từ mầm non đến đại học, tăng 37.245 học sinh so với năm học trước. Đến nay đã có 39 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, số lượng học sinh dân tộc thiểu số tiếp tục tăng.

Loại dẫn chứng khác là: Mạng lưới giáo dục thường xuyên phát triển rất nhanh, gần phủ kín các quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Nhờ vậy, số người đi học tăng lên. Số người theo chương trình xóa mù chữ tăng từ 52.621 người năm học trước lên 75.896 người năm học 2006-2007. Hiện nay, theo học các lớp khuyến nông, lâm, ngư, giáo dục pháp luật, môi trường... đã tăng lên hơn 10 triệu lượt người.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng chỉ tiêu định hướng đến năm 2010, chỉ có tỷ lệ huy động 80% các cháu đến độ tuổi vào nhà trẻ có thể gần đạt được, còn lại với các cấp học, ngành học khác đều là khó khả thi. Nhiều việc mới chỉ dừng ở bước thử nghiệm, tìm tòi, chưa tạo được sự thay đổi căn bản trong phương thức hoạt động, tổ chức và quản lý. Chính vì vậy, dù kết quả đạt được là to lớn, có sức thúc đẩy mạnh mẽ nhưng cũng chỉ là bước đầu.

Hạn chế, yếu kém có ở khắp nơi

Các đại biểu địa phương và cơ sở giáo dục nêu nhiều mặt hạn chế, yếu kém, qua các câu chuyện cụ thể, sinh động.

Một số mô hình chuyển đổi và hoạt động được khẳng định nhưng nhân rộng ra thì rất khó. Đó là mô hình chuyển từ trường bán công sang trường công lập tự chủ tài chính, hoặc mô hình xây dựng trường từ nguồn vốn kích cầu được các địa phương đến học tập song lại không thể ứng dụng được ở địa phương mình, do thiếu điều kiện.

Trong chỉ đạo thì nhiều việc không giải quyết dứt điểm. Ngay một việc nhỏ là một thầy giáo có học hàm, học vị đang dạy ở hệ công lập, lại ghi danh ở nhiều trường dân lập, tư thục khác để họ được phép hoạt động và tăng sức thu hút học sinh-vẫn tiếp tục tái diễn. Hoặc cái vòng luẩn quẩn như đánh đố của quy định: Muốn có quyết định cấp đất thì phải có quyết định thành lập trường; nhưng quyết định thành lập trường chỉ được ban hành sau khi thẩm định được các điều kiện bảo đảm, trong đó cơ sở vật chất-kỹ thuật. Nếu các địa phương chấp hành đúng thì các trường mới không thể thành lập được, còn “xé rào” cứ ra quyết định cấp đất xây dựng trường thì lại làm sai quy định. Như thế việc thành lập mới trường tư thục là nan giải. Từ cuối năm 2006, Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn trường ngoài công lập mới thành lập theo dự án đầu tư thì được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động cùng hàng loạt ưu đãi về thuế, giao đất, vay vốn ưu đãi... Song trong thực tế thì các trường này vẫn phải nộp thuế thu nhập với thuế suất 28% như với doanh nghiệp bình thường. Các chính sách khác thì hầu như chưa được thực hiện. Ngay về chất lượng giáo dục, nhìn chung không cao, không đáp ứng được nhu cầu nguồn lực, trở thành một trở ngại với tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ tái mù chữ ở mức cao, chất lượng giáo dục phổ thông có thể coi là trong tình trạng báo động.

Một số đại biểu cũng nêu nhiều nguyên nhân của tình trạng đó, đáng chú ý nhất là về bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức. Năng lực, kiến thức của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu công việc, nhất là về kinh tế, quy hoạch, quản lý dự án, xây dựng cơ bản... Trước một lĩnh vực mới, đang vận động như xã hội hóa, nhiều vấn đề lý luận có tính nguyên tắc chưa được khẳng định. Chẳng hạn giáo dục và đào tạo trong hội nhập kinh tế, mở cửa của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sở hữu, lợi nhuận và phi lợi nhuận... Khi đụng chạm đến những vấn đề liên quan, ngay cả những việc cụ thể như học phí, chuyển đổi mô hình nhà trường, các cơ quan quản lý và cán bộ, công chức gặp vướng mắc, lúng túng trong cách xử lý.

Mọi người vì giáo dục-giáo dục vì mọi người

Kết luận Hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Dù trong lĩnh vực nào thì cũng cần triển khai mạnh mẽ 5 nhóm giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và 5 chính sách mà Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nêu trong Hội nghị (đã được phản ảnh trên báo QĐND trong hai số trước).

Đồng chí khái quát hóa bài học chung rút ra trong hoạt động xã hội hóa là: Một khẳng định: Xét về bản chất xã hội hóa là Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước ngày càng làm tốt hơn còn nhân dân thì tham gia theo khả năng của mình. Hai đi trước: Đó là quy hoạch đất đai và nhân lực phải chuẩn bị trước một bước. Ba hỗ trợ: Đó là hỗ trợ về đất, chính sách thuế và đào tạo cán bộ quản lý. Ba tăng cường: Về phân cấp, tự chủ của cơ sở và kiểm tra của các cơ quan quản lý.

Về công việc sắp tới, đồng chí đề nghị các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng xây dựng dự thảo một nghị định mới về xã hội hóa thay thế các nghị định cũ, trình Chính phủ thông qua trong quý 1-2008. Đồng thời các bộ, ngành liên quan cũng chuẩn bị dự thảo các thông tư hướng dẫn thi hành kèm theo. Các ngành và địa phương hoàn chỉnh quy hoạch phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 gắn với đất đai, nhân lực cho hoạt động xã hội hóa. Hiện nay đã có hoạt động tôn vinh những người, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp cho giáo dục- đào tạo, nên có Ngày học nghề-lập thân. Nếu được Thủ tướng đồng ý thì có thể tổ chức vào tháng 4-2008, trong một tuần để góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về dạy nghề. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng sẽ tích cực triển khai chương trình tuyên truyền trong 3 năm, về học nghề và làm nghề. Từng bước chuyển nhận thức của đa số người dân từ học xong phổ thông trung học là phải học tiếp đại học sang học nghề, có việc làm cống hiến cho gia đình và xã hội, sau đó có thể học tiếp.

Ý kiến của Phó thủ tướng cũng được sự đồng thuận của hầu hết đại biểu, nhất là đại biểu Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập cùng các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, hiệu trưởng các trường đại học công lập và ngoài công lập.

Mong muốn chung của Hội nghị là không phân biệt Nhà nước hay tư nhân, công lập hay ngoài công lập, mỗi người hãy vì giáo dục và giáo dục vì mọi người. Mục tiêu là để ngày càng nhiều người dân được hưởng dịch vụ xã hội với chất lượng cao hơn, góp phần phát triển đất nước bền vững, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta.

VIỆT ÂN