QĐND - Nếu nhớ tới đồ uống của Sài Gòn, người ta sẽ nghĩ ngay tới ly cà phê sữa đá thơm lừng, còn với Hà Nội đó là cốc trà đá vỉa hè. Chỉ cần ngồi trên phố nhỏ với một chiếc ghế nhựa và ly trà đá, ngắm phố phường và dòng người qua lại hối hả, như vậy cũng đủ để mang đến cho bạn sự gần gũi, thân quen của thành phố này.
Nhắc tới món đồ uống bình dân này, tôi lại nhớ về anh bạn ở thành phố Vũng Tàu. Anh bảo uống trà đá vỉa hè là được hít hà cái không khí phóng khoáng của đất trời, hưởng thụ một cuộc sống bình dị, giản đơn với những câu chuyện “trên giời dưới biển”. Vì thế, ra Hà Nội lần nào anh cũng tranh thủ thời gian để đi uống trà đá.
 |
Chút mộc mạc của Hà Nội.
|
Khắp các con phố lớn hay vào sâu trong các ngõ nhỏ đâu đâu cũng bắt gặp quán nước bình dân này. Cứ ở đâu có người qua lại và có một góc nhỏ để vừa mấy cái ghế nhựa là ở đó có quán trà đá. Gọi là quán cho “sang”, chứ thực ra chỉ cần mấy cái ghế nhựa, vài chục cái cốc, mấy lạng chè mạn, vài phong kẹo cao su hoặc ít kẹo lạc, thuốc lá, đá lạnh, vài cái phích nước nóng là có thể hình thành nên quán trà đá. Hà Nội có bốn mùa, nhưng bất kể vào mùa nào trong năm, từ sáng sớm đến đêm khuya, quán không mấy lúc vắng khách. Mà “thượng đế” của quán cũng đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi. Những quán nước này có chút gì đó mộc mạc, phóng khoáng để những vị khách vui tính cứ tự đến, tự động lấy ghế ngồi quây quần với nhau. Những câu chuyện không đầu không cuối, những tràng cười rộ sảng khoái… tất cả tạo nên một nét văn hóa sống động, tự nhiên của người Hà Nội.
Tuy nhiên, Hà Nội đang thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, trong đó kiên quyết dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán. Chính vì vậy, để giữ nguyên giá trị của nét đẹp thường ngày này, các chủ quán cần lựa chọn địa điểm buôn bán phù hợp, không để tình trạng xả rác, túi bóng, nước chè, bã thuốc lào... ra ngay vỉa hè.
Bài, ảnh: THU THỦY