Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phát huy tính chủ động, tích cực của các cơ quan thực hiện giám sát, góp phần bảo đảm Hiến pháp, pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, để kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thể chế hóa các quy định liên quan đến hoạt động giám sát trong Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội mới được Quốc hội thông qua; đồng thời, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến, về bố cục, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân gồm có 5 chương, 91 điều, cơ cấu, bố cục của luật thể hiện theo hướng những vấn đề chung cho giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân được quy định chung trong một chương, những vấn đề mang tính đặc thù giám sát riêng cho Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân thì quy định trong chương riêng.

Chương I: Những quy định chung, quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc hoạt động giám sát, thẩm quyền giám sát, trách nhiệm của chủ thể giám sát, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, việc tham gia giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và hiệu quả của giám sát.

Chương II: Giám sát của Quốc hội, quy định về các hoạt động giám sát, thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Chương III: Giám sát của Hội đồng nhân dân, quy định về các hoạt động giám sát, thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Chương IV: Bảo đảm hoạt động giám sát, quy định về bảo đảm thực hiện hoạt động giám sát, bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát, bảo đảm kinh phí và tổ chức phục vụ hoạt động giám sát.

Chương V: Hiệu lực thi hành, quy định về hiệu lực thi hành và văn bản bị bãi bỏ.

Liên quan đến hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho hay: Luật đã quy định rõ về việc tổ chức để đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cách thức xác định số lượng đại biểu Quốc hội cần thiết để kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cùng với đó, luật cũng bổ sung một mục quy định các hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động giám sát, như chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc thi hành pháp luật tại địa phương, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; đồng thời, quy định về việc Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc thi hành pháp luật trên địa bàn đại biểu ứng cử.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

NHẤT NGÔN