QĐND - “Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), toàn bộ cơ chế chính sách về nhà ở dành cho người nghèo thể hiện không đầy đủ, không đúng chủ trương chính sách của Nhà nước. Trong Luật Nhà ở năm 2005 cũng đang có thiếu sót này”. Đây là ý kiến của ông Trần Ngọc Hùng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, người trực tiếp tham gia góp ý xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo.

Ông Trần Ngọc Hùng. Ảnh: PV

 

Cần khắc phục những hạn chế trong Luật Nhà ở hiện hành

Phóng viên (PV): Vừa qua, Bộ Xây dựng đã đưa ra Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Là người trực tiếp tham gia góp ý xây dựng dự thảo, ông cảm thấy bất cập điều gì?

Ông Trần Ngọc Hùng: Trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Bộ Xây dựng đưa ra, có một chính sách bất cập liên quan đến nhà ở, đó là việc đánh thuế nhà ở. Tôi được biết, trên thế giới không có nước nào đánh thuế nhà ở, không có nơi nào đánh thuế bất động sản như Việt Nam. Ví dụ, gia đình có 5 người sống trong căn nhà 150m2 (30m2/người) thì không nên đánh thuế. Tuy nhiên, nếu một người sử dụng khoảng 200m2 thì phải đánh thuế thật cao. Đây là chính sách điều tiết người giàu cho người nghèo. Vậy mà, có một thực tế là hiện nay, những gia đình sống trong căn hộ 50m2 và một người sống trong biệt thự 500m2 đều phải chịu thuế như nhau, điều này là vô lý.

PV: Nhà ở cho người thu nhập thấp đang là vấn đề nóng hiện nay, vậy trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, có đề cập tới vấn đề này?

Ông Trần Ngọc Hùng: Tôi thấy rằng, Luật Nhà ở 2005 đang có những bất cập, cần phải sửa đổi trong luật mới, có liên quan đến các chủ trương chính sách của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và thị trường. Trong Luật Nhà ở hiện hành, mới chỉ đề cập đến vế “thị trường”, còn vế “định hướng xã hội chủ nghĩa”, tức là nhà ở dành cho người nghèo, cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp… lại chưa được thể hiện đầy đủ. Vậy mà trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), toàn bộ phần nói về cơ chế chính sách về nhà ở dành cho người nghèo lại thể hiện không đầy đủ, không đúng chủ trương đường lối của Nhà nước. Như vậy, cả trong Luật Nhà ở 2005 và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đang có thiếu sót này.

Quan tâm hơn vấn đề nhà ở xã hội

PV: Xin ông nói rõ hơn sự bất hợp lý của vấn đề nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp trong Luật Nhà ở hiện hành?

Ông Trần Ngọc Hùng: Tôi nhận thấy, Luật Nhà ở hiện hành vẫn đặt theo thứ tự ưu tiên là nhà để bán, rồi đến nhà trả góp và cuối cùng mới là nhà cho thuê. Theo tôi, quy trình này phải đi ngược lại, phải đặt nhà cho thuê lên hàng đầu, thứ hai là nhà thuê mua, rồi đến nhà trả góp, và cuối cùng mới đến nhà thương mại. Vì đại đa số người nghèo, người thu nhập thấp, những người mới ra trường thường chưa có nhà mà cơ bản là phải đi thuê. Thứ hai là quy định dành quỹ đất thích đáng cho người nghèo cũng chưa thể hiện rõ, chưa thật đầy đủ trong luật và chưa thực hiện tốt trong thời gian qua. Theo quy định, các dự án lớn hơn 10ha mới có quỹ đất dành cho người nghèo, còn các dự án dưới 10ha thì quỹ đất này không được nhắc đến, hoặc nếu hơn 10ha thì các chủ dự án chia thành 2 dự án nhỏ rồi trốn tránh trách nhiệm.

Theo tôi, Nhà nước phải dành một khoản ngân sách bắt buộc dành cho nhà ở xã hội, cho người thu nhập thấp. Các cấp chính quyền, Nhà nước, các tỉnh, thành phố, hội đồng nhân dân, Quốc hội… phải dành một khoản tài chính thích hợp, dành quỹ đất thỏa đáng, dành cơ sở hạ tầng, nhà ở cho người nghèo mới góp phần thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN. Còn nếu để cho thị trường tự do quyết định thì không cần đến quản lý nhà nước làm gì.

PV: Vậy theo ông, Luật Nhà ở (sửa đổi) cần phải hoàn thiện theo hướng nào để giải quyết vấn đề nhà ở dành cho người nghèo, người thu nhập thấp?

Ông Trần Ngọc Hùng: Luật Nhà ở hiện nay có nhiều vấn đề chưa thỏa đáng, không phục vụ đúng đối tượng, đó là việc dự báo nhu cầu kèm theo đó là các cơ chế chính sách bắt buộc phải dành một số diện tích cho người thu nhập thấp. Chứ không phải như chúng ta hiện nay là nhà ở thương mại xin chuyển sang nhà ở xã hội. Ở một số nước như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a bắt buộc phải dành 30% diện tích dự án cho người nghèo, tối đa diện tích từ 30-50m2 và là nhà 5 tầng hoàn thiện với chất lượng tốt nhưng vật liệu trung bình, không phải cao cấp, điều này chúng ta cần phải học hỏi. Còn ở nước ta thì ngược lại, cho phép nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội là cách làm ngược. Ở một số nước trên thế giới, bắt buộc phải làm nhà cho người thu nhập thấp trong các dự án, như vậy mới là quan tâm đến người nghèo, quan tâm đến cán bộ, công nhân viên chức. Và có một điều quan trọng là người ta dành một khoản kinh phí lớn nhất cho những người đi thuê, mua nhà vay với lãi suất rất thấp.

PV: Theo ông, trong số những đối tượng có thu nhập thấp thì đối tượng nào cần được quan tâm về nhà ở?

Ông Trần Ngọc Hùng: Có một đối tượng hiện tại chưa được quan tâm đúng mức trong Luật Nhà ở hiện hành, đó là đối tượng người ngoại tỉnh lên thành phố sống ở các khu ngõ ngách, các nhà ở tạm, các khu ổ chuột kiểu cũ và kiểu mới. Họ sẽ được giải quyết như thế nào? Thực ra, cũng đã có một vài chính sách giải quyết vấn đề này, nhưng chưa ăn thua. Mặt khác, tỷ lệ nhà ở cho đối tượng là công nhân ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu công nghiệp đang rất thấp. Đối tượng này chiếm không ít, riêng ở Hà Nội chiếm ít nhất là 30%. Họ chính là những đối tượng cần được quan tâm và nên được "Luật hóa".

PV: Xin cảm ơn ông!

NHƯ TRÂM (thực hiện)