Lợi nhuận đạt hơn 40%

Men theo tuyến đường nối Vị Thanh-Cần Thơ vào thời điểm này, hình ảnh trước mắt chúng tôi là những nụ cười tươi trên cánh đồng lúa chín vàng bội thu và không khí rộn ràng mùa vụ. Những chiếc máy gặt đập liên hợp đang hoạt động rền vang. Bà con cũng đang chở từng bao lúa về điểm tập kết để cân bán cho thương lái và nhận tiền tại ruộng. Vừa thu hoạch xong gần 1ha lúa (giống OM 5451), ông Tô Văn Hiệp, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, phấn khởi cho biết: “Mọi năm, vụ lúa đông xuân đạt năng suất từ 1 tấn đến 1,1 tấn/công là mừng, nhưng năm nay còn trúng hơn khi đạt gần 1,2 tấn/công (1.300m2) và đây được xem là năng suất cao nhất trong nhiều năm gần đây”.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa trong niềm vui trúng mùa, được giá.

Theo thống kê, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cơ bản thu hoạch xong vụ lúa đông xuân với tổng diện tích xuống giống là 77.820ha. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ lúa đông xuân năm nay là một trong những năm có năng suất lúa bình quân đạt cao nhất, với 7,68 tấn/ha, trong đó thị xã Long Mỹ là địa phương đạt năng suất cao nhất của tỉnh với 8,10 tấn/ha. Ước tổng sản lượng cả vụ đạt khoảng 597.600 tấn, tăng khoảng 22.298 tấn so với cùng kỳ.

Giống như Hậu Giang, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang thu hoạch lúa đông xuân cũng đạt năng suất cao. Điển hình tại TP Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2019-2020, năng suất lúa bình quân đạt 7,2 tấn/ha. Cùng với niềm vui về năng suất, nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL cũng rất hài lòng khi giá lúa bán ra khá cao. Cụ thể, giá lúa đông xuân năm nay dao động 4.900-6.200 đồng/kg (tùy giống), cao hơn 500-700 đồng/kg so với cùng kỳ; riêng giống lúa ST 24 đạt mức 7.400-7.500 đồng/kg, cao hơn 1.700 đồng/kg so với cùng kỳ. Với năng suất và giá bán như trên, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng lúa có lợi nhuận 25-50 triệu đồng/ha (tùy giống).

Không giấu được niềm vui khi vừa bán xong 2,5ha lúa (giống Đài Thơm 8) cho thương lái với giá 6.000 đồng/kg, ông Lương Hoàng Lân ở xã Trường Xuân (Thới Lai, Cần Thơ) chia sẻ: “Lúa năm nay trúng mùa mà giá cũng cao. Thương lái thu mua tận ruộng nên bà con cũng không phải mất thời gian tìm kiếm nơi tiêu thụ như trước. Năm nay, trừ hết chi phí, lợi nhuận đạt hơn 40%”.

Chủ động ngay từ sớm

Mặc dù tình trạng hạn mặn diễn ra khốc liệt, có nơi mặn vào sâu tới 80km, nhưng vụ đông xuân năm nay, bà con ĐBSCL lại thắng lớn. Một trong những yếu tố giúp thắng lợi là dự báo được trước diễn biến của tình hình hạn mặn để có ứng phó về giống, lịch gieo cấy và tưới tiêu...

Vốn là vùng trũng của ĐBSCL, tỉnh Sóc Trăng thường xuyên chịu tác động nặng nề từ hạn mặn. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, tỉnh Sóc Trăng đã khuyến cáo người dân xuống giống sớm hơn một tháng so với các năm. Vì thế, vụ đông xuân này toàn tỉnh gieo cấy 174.000ha, ước tính chỉ có khoảng 500ha bị tác động do hạn mặn. “Vụ sản xuất này thuận lợi ngoài xuống giống sớm, còn nhờ một phần phát huy tác dụng của sự phối hợp điều tiết nước giữa Bạc Liêu và Sóc Trăng, trong đó, việc đưa vào sử dụng cống âu thuyền Ninh Quới tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) góp phần điều tiết nước, ngăn mặn tràn qua vùng trồng lúa của thị xã Ngã Năm”, ông Võ Minh Thắng, Phó chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm thông tin.

Cùng với việc chủ động “né” hạn mặn, 3 năm trở lại đây, nông dân còn quan tâm đến việc gia tăng giá trị hạt gạo tiêu thụ trên thị trường. Tại các tỉnh, như: Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang… nông dân đã hình thành mô hình cánh đồng sản xuất theo hướng hiện đại. Mỗi cánh đồng chỉ sử dụng 1-3 giống chất lượng cao, sạ hàng 80-120kg/ha, bón phân cân đối kết hợp phân hữu cơ vi sinh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng với sự cam kết bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, giúp giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận cho nông dân.

Theo ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, mặc dù xâm nhập mặn vô cùng khốc liệt nhưng nhờ triển khai tốt các giải pháp ứng phó, nông dân đã có một vụ đông xuân được mùa, được giá. “Trong cơ cấu giống lúa của tỉnh, các loại giống chất lượng cao chiếm 93,65%, diện tích sử dụng giống xác nhận các cấp tương đương khoảng 76,46%. Với những giống lúa mới được đưa vào gieo cấy, ngoài thời gian sinh trưởng ngắn còn có khả năng thích ứng tốt với hạn mặn. Vì thế, diện tích lúa đông xuân của tỉnh Kiên Giang đạt 289.837ha, vượt 743ha so với kế hoạch đặt ra. Đến nay, tỉnh đã thu hoạch xong diện tích lúa đông xuân, năng suất bình quân 7,24 tấn/ha, tăng 0,3 tấn/ha so với vụ đông xuân 2018-2019”, ông Nhịn cho biết.

Theo thống kê, vụ lúa đông xuân 2019-2020, toàn vùng ĐBSCL xuống giống được hơn 1,5 triệu héc-ta. Năng suất lúa bình quân đạt hơn 7 tấn/ha, tăng 0,2-0,4 tấn/ha so với cùng kỳ. Đặc biệt, số diện tích lúa bị thiệt hại do hạn, mặn giảm đáng kể. Nếu như vụ đông xuân 2016 thiệt hại do hạn mặn lên tới hơn 400.000ha thì năm nay chưa đến 30.000ha.

Bài và ảnh: THÚY AN