Đẩy mạnh mua sắm trực tuyến, "đi chợ hộ"

Trong hai ngày 26 và 27-8, ghi nhận tại một số siêu thị Co.opmart thuộc Saigon Co.op, lượng hàng hóa trên các quầy kệ dù không quá nhiều như ngày thường nhưng luôn bảo đảm tươi mới, đầy đủ chủng loại. Đặc biệt, số lượng đơn đặt hàng trực tuyến tại siêu thị tăng từ 3 đến 5 lần so với trước ngày 23-8. Các siêu thị không thực hiện bán hàng trực tiếp, chỉ bán gián tiếp qua bộ phận đi chợ giúp dân (mô hình "đi chợ hộ") của các địa phương, hoặc qua đặt hàng trực tuyến. Saigon Co.op hiện có gần 400 địa điểm phân phối tại TP Hồ Chí Minh, có thể phục vụ 10.000 hộ dân/điểm, với trung bình 2.200 tấn hàng/ngày.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op: Đơn vị đã chủ động thiết lập một số kênh bán hàng phù hợp tương ứng với diễn biến của dịch bệnh hiện nay, nhất là phương án mua chung, lần đầu tiên được triển khai cho cộng đồng dân cư. Đây là giải pháp đón đầu và phù hợp hoàn toàn với các chủ trương mới về việc yêu cầu người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu, ở yên đó”.

 Nhân viên siêu thị Co.opmart tại TP Hồ Chí Minh chuẩn bị nguồn thực phẩm để cung ứng cho người dân. Ảnh: MINH TIẾN 

Theo đánh giá của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, trong những ngày qua, việc cung ứng hàng hóa phục vụ người dân TP Hồ Chí Minh được thực hiện qua mô hình “đi chợ hộ” với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến từng gia đình. Thị trường cung ứng hàng hóa tại thành phố ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông Lê Thanh Tú, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 2, quận 8 cho biết: "Với sự giúp sức tích cực của quân đội, chúng tôi đã làm tốt việc "đi chợ hộ", kịp thời bảo đảm LTTP đến người dân, nhất là địa bàn "vùng đỏ", "vùng cam".

Tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... các hệ thống phân phối cũng cam kết không thiếu hàng hóa, sẵn sàng cung ứng linh động theo thị trường. Tùy vào đặc thù địa bàn, nhu cầu của người dân, sẽ điều chuyển lượng hàng hóa giữa các điểm bán phù hợp để cân đối nguồn cung đủ với sức mua. Để thực hiện phương án cung ứng hàng hóa trong điều kiện siết chặt giãn cách xã hội, hệ thống các siêu thị đã thiết kế những combo hàng hóa phân theo mức giá trị hoặc theo loại hàng hóa để phối hợp với chính quyền địa phương cung ứng phục vụ người dân. Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương thông tin: “Trừ những địa bàn đang thực hiện “khóa chặt, đông cứng”, tại các khu dân cư sẽ có phương thức tổ chức xe bán hàng lưu động hoặc thiết lập các điểm bán hàng thiết yếu bán trực tiếp cho người dân tại các điểm bưu cục và bưu điện văn hóa. Riêng đối với các khu vực phong tỏa, địa phương chủ động sắp xếp nhận đơn hàng của người dân để bố trí lực lượng ra điểm bưu cục mua và nhận hàng giúp người dân. Tỉnh khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến qua điện thoại, ứng dụng mạng xã hội hoặc các app của siêu thị...”.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp (Vincommerce) cho biết: “Hiện tại, các kênh đặt hàng trực tuyến qua website, điện thoại, ứng dụng Zalo... của chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi luôn được VinMart, VinMart+ cung ứng đầy đủ cho người dân. VinCommerce đã chủ động liên hệ trực tiếp với các phường, xã, tổ dân phố của từng địa phương để có phương án phối hợp giao hàng đến tận tay người dân”.

Cùng với sự nỗ lực của địa phương, thời gian qua, Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai thí điểm chương trình túi an sinh kết hợp các loại nông sản cho một số doanh nghiệp, siêu thị để cung ứng cho người dân. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia thực hiện chương trình này đã được tổ công tác đưa vào danh sách đầu mối hệ thống kết nối cung cầu nông sản, thay thế hệ thống chợ đầu mối tạm thời dừng hoạt động. Năng lực cung cấp túi an sinh hiện nay bảo đảm từ 80.000 đến 100.000 túi/ngày, tương đương từ 800 đến 1.000 tấn/ngày.

Kết nối chặt chẽ nguồn cung


Theo khảo sát của Tổ công tác của Bộ NN&PTNT, nhu cầu về LTTP trong một ngày tại TP Hồ Chí Minh khoảng hơn 7.600 tấn, chưa tính lượng trứng gia cầm. Hiện thành phố đang có hơn 2.300 điểm bán hàng duy trì hoạt động, giảm gần 700 điểm bán so với trước khi thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu, ở yên đó”. Còn tại Bình Dương, nhu cầu này khoảng hơn 1.470 tấn, chưa kể trứng gia cầm. Bình Dương cũng đang bảo đảm tổng giá trị hàng hóa dự trữ thường xuyên trong kho của các siêu thị khoảng hơn 685 tỷ đồng. Tại Đồng Nai, các ngành chức năng đã cùng doanh nghiệp kinh doanh trung tâm thương mại, siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích rà soát, kiện toàn kế hoạch dự trữ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, luôn trong tư thế sẵn sàng cung ứng cho thị trường trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng phương án cung cấp thực phẩm thiết yếu đến các phường, xã, thị trấn.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cung ứng nguồn nông sản khi cần thiết cho các địa phương khu vực Đông Nam Bộ, Tổ công tác của Bộ NN&PTNT đã phối hợp với 19 tỉnh, thành phố phía Nam, cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng nông sản chủ lực, chủ động triển khai các mặt hàng thiết yếu bao gồm: Gạo, rau củ, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm... trong thời gian thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Các hệ thống bán lẻ như: Saigon Co.op, Satramart, Big C, Mega Market, Bách hóa xanh... cũng cam kết bảo đảm nguồn cung hàng hóa, không tăng giá bán, tiếp tục giảm giá nhu yếu phẩm và sản phẩm PCD từ 20% đến 30%.

HỒNG GIANG