Lập lại công bằng cạnh tranh trong thương mại

Bỏ mớ rau đang nhặt dở, chị Nguyễn Thị Loan (Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội) nghe điện thoại rồi chạy ra ngoài, vài phút sau, chị quay về với gói hàng đã được mở để kiểm tra trước khi nhận. Cho cô con gái nhỏ mặc thử bộ quần xám, áo phông tím nhạt có in hình 3 chú mèo ngộ nghĩnh, chị Loan gật gù, tỏ vẻ hài lòng.

Giao dịch tiện lợi, hàng hóa đa dạng, được kiểm tra hàng trước khi nhận, đặc biệt giá cả luôn hấp dẫn hơn so với mua hàng ở các cửa hàng truyền thống-đó là những điểm cộng khiến chị Loan ngày càng lựa chọn mua hàng trực tuyến nhiều hơn.

Những người mua hàng như chị Loan thường không quan tâm đến việc vì sao họ có thể mua hàng hóa trên mạng với giá rẻ như vậy. “Tôi nghĩ những người bán hàng trực tuyến không phải mất chi phí thuê mặt bằng cửa hàng nên giá cả hàng hóa sẽ rẻ hơn”, chị Loan nêu ý kiến trước câu hỏi của chúng tôi.

Chị Loan đã không nghĩ đến việc người bán hàng trực tuyến vẫn phải trả phí cho các bên trung gian, như sàn TMĐT, các nền tảng trực tuyến, nôm na là họ vẫn phải “thuê cửa hàng” trên nền tảng số. Ngoài ra, họ cũng phải chịu thêm nhiều khoản chi phí khác, như đóng gói, giao hàng... nên tổng chi phí bán hàng trực tuyến và tổng chi phí bán hàng tại cửa hàng truyền thống không chênh lệch nhau nhiều lắm. Phần giá rẻ hơn của hàng hóa mua bán trên mạng so với mua bán ở cửa hàng truyền thống có một phần không nhỏ đến từ việc người bán hàng “né” các nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước (giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân...).

Việc mua bán những sản phẩm đến từ các thương hiệu uy tín, có truyền thống tuân thủ luật pháp cho thấy rất rõ điều đó. Người mua hàng dù mua những sản phẩm ấy qua nền tảng bán hàng trực tuyến hay mua tại các cửa hàng truyền thống thì giá cả hàng hóa hay mọi chương trình khuyến mãi, khuyến mại đều không có sự khác biệt. “Nếu mua máy tính hay điện thoại, tôi sẽ đến cửa hàng vì mua trực tuyến hay trực tiếp thì giá cũng như nhau, trong khi đến cửa hàng thì mình vừa yên tâm hơn, vừa nhờ được nhân viên bán hàng cài đặt máy giúp”, chị Loan cho biết.

leftcenterrightdel
Nhân viên sàn thương mại điện tử Postmart vận chuyển nông sản tới người tiêu dùng. Ảnh: TRÀ MY 

 

Như vậy, câu chuyện đã khá rõ ràng về việc vì sao nhiều loại hàng hóa khi mua bán trên mạng lại rẻ hơn mua bán ở cửa hàng truyền thống.

Tuy nhiên, với những giải pháp ngày càng tiến bộ, hiện đại được các cơ quan chức năng áp dụng, người bán hàng trực tuyến sẽ ngày càng khó để “né” thuế. Việc thu thuế TMĐT hiệu quả hơn giúp lập lại công bằng trong kinh doanh, tránh để những cá nhân, doanh nghiệp chân chính, tuân thủ luật pháp phải chịu thiệt thòi.

Hiệu quả của những giải pháp tổng hợp

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính): Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế với hoạt động TMĐT, ngành thuế đã cung cấp dịch vụ thuế điện tử; đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách thuế theo hướng yêu cầu sàn giao dịch TMĐT khấu trừ thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn; làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT trên cơ sở dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn; áp dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra cảnh báo với trường hợp có rủi ro về thuế...

Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh cho hay: "Bộ Công Thương đã chia sẻ dữ liệu về hơn 1.000 chủ thể sở hữu nền tảng TMĐT ở dạng website hoặc ứng dụng và đang tiến tới chia sẻ dữ liệu của khoảng 50.000 chủ thể sở hữu website TMĐT bán hàng với Bộ Tài chính, phục vụ công tác quản lý thuế".

Những giải pháp đồng bộ mà ngành thuế và các cơ quan hữu quan phối hợp thực hiện giúp việc thu thuế từ hoạt động TMĐT ngày càng hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Hồng Quân (Trưởng bộ môn TMĐT, Trường Đại học Ngoại thương) nhấn mạnh: "Công tác thu thuế TMĐT ở Việt Nam đã có nhiều khởi sắc so với những năm trước đây cả về số lượng, sự minh bạch và công bằng".

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2022, số thuế thu từ TMĐT đạt khoảng 83.000 tỷ đồng, năm 2023 đạt 97.000 tỷ đồng. Đặc biệt, 96 nhà cung cấp nước ngoài, các tập đoàn công nghệ nước ngoài, như Facebook, Google, Microsoft, Tiktok... đã thực hiện đăng ký và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn TMĐT xuyên biên giới và đã nộp được hàng chục nghìn tỷ đồng thuế TMĐT.

Tuy nhiên, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề thất thu thuế trong TMĐT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận vẫn còn xảy ra thất thu thuế từ TMĐT với “một tỷ lệ đáng kể”. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT, chia sẻ liên thông với các bộ, ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan; tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong thực hiện áp dụng định danh điện tử cho người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT...

TS Nguyễn Hồng Quân nêu quan điểm cần tiếp tục sửa đổi luật pháp, cơ chế, chính sách về thuế trong TMĐT phù hợp hơn, đặc biệt là trong bối cảnh mới với các mô hình TMĐT, mô hình kinh doanh thông minh đang xuất hiện trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn; thúc đẩy việc định danh trong TMĐT đối với các tài khoản cá nhân và tổ chức trên các nền tảng để kiểm soát hoạt động kinh doanh...

Nhìn vào những con số thống kê về số tiền thuế thu được mỗi năm cũng có thể thấy nỗ lực vượt bậc của ngành thuế và các cơ quan hữu quan trong việc thu đúng, thu đủ thuế từ TMĐT. Điều đó tạo ra sự công bằng trong kinh doanh, lành mạnh hóa thị trường TMĐT, phát triển TMĐT một cách bền vững, tạo lập thị trường TMĐT chuyên nghiệp và chống thất thu thuế... 

CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.