leftcenterrightdel
Quân y Lữ đoàn Công binh 7 khám bệnh, cấp thuốc cho người dân làng “Công Way”. 

Bộ đội về, mái ấm nhà vui

Về làng “Công Way” vào những ngày thu tháng Tám lịch sử, đi khắp mọi nẻo đường làng, chúng tôi đều cảm nhận được sự đổi thay của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Nắm chặt tay chúng tôi, thân tình như người thân lâu ngày gặp lại, ông Đinh Bây-già làng “Công Way” chậm rãi cho biết: “Làng mình có hơn 190 hộ, 630 nhân khẩu, đa số là người dân tộc Ba Na. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà con ở đây luôn đoàn kết một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ đánh giặc, bảo vệ và giải phóng quê hương". 

Toạ lạc dưới chân núi Kon Kôk liền kề đường lên cổng trời (đèo Mang Yang), con đường độc đạo kết nối Tây Nguyên với đồng bằng, nên trong chiến tranh nơi đây không ngày nào ngớt tiếng bom đạn. Để ngăn cản đường hành quân và tiếp viện lương thực, những năm 1970-1972, quân Mỹ còn đem cả chất độc hóa học rải xuống vùng này. Cây rừng rụng lá, trơ trọi. Cây lúa, cây bắp, cây mì (sắn) cũng chết hết. Sau chiến tranh, bom đạn còn lại rất nhiều, đất đai khô cằn, mặc dù tích cực lao động, nhưng đời sống bà con vẫn còn khó khăn. Làng đang loay hoay tìm đường thoát nghèo thì bộ đội công binh đến, hướng dẫn cho người dân khai hoang đất để trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa nước, trồng bắp lai, trồng mì theo thời gian từng con trăng, từng mùa rẫy. Làng “Công Way” khởi sắc từ đó. 

Đến nay, làng “Công Way” đã tận dụng nguồn đất bãi, đất đồi, đất trống, trồng được hơn 70ha lúa nước, 60ha mì, 30ha bắp, 10ha đậu xanh, hơn 40ha cây trồng các loại khác và kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đời sống người dân nâng cao nhờ kinh tế hộ gia đình phát triển, hơn 70% số hộ dân trong làng đã có xe gắn máy, có ti vi… Trình độ thâm canh cây trồng, vật nuôi của người dân đã tiến bộ hơn, đặc biệt bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cao hơn trước. Nhiều công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm được Nhà nước đầu tư xây dựng, cơ sở hạ tầng phát triển. Tất cả trẻ em đến tuổi đều được đi học, người bệnh đến bệnh xá khám, điều trị… Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, làng “Công Way” đã được UBND huyện Đăk Pơ đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả hệ thống “nước tự chảy”, giúp bà con có nguồn nước sạch để dùng quanh năm.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 7 và thanh niên địa phương ra quân làm đường tại làng “Công Way”. 

Lo cho dân như lo cho mình

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Văn Quyên, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 7, cho biết: “Đứng chân dưới “cổng trời” Mang Yang, thấy đời sống của bà con người Ba Na còn khổ cực, chúng tôi đã quyết tâm hành động để giúp địa phương thoát nghèo. Với phương châm “bám dân, gần gũi, thân tình với nhân dân, nói dân nghe, làm dân hiểu”, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tích cực hướng dẫn bà con khai hoang đất, trồng cây lương thực và các loại cây trồng khác theo thời vụ, xen canh, lấy ngắn nuôi dài. Đơn vị cũng đã huy động hàng nghìn ngày công để giúp dân làm đường liên thôn, liên xã; kênh rãnh thoát nước; làm mới, sửa chữa nhà giúp bà con; gom và san đất đá, giải phóng 5,9ha ruộng bị cát bồi; khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí cho hơn 550 lượt người...

leftcenterrightdel
Một góc làng “Công Way”. 

Chỉ riêng trong đợt này, lãnh đạo Lữ đoàn Công binh 7 đã đến thăm và tặng 20 suất quà (mỗi suất 500 nghìn đồng) đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách khó khăn; hỗ trợ 100kg gạo và sửa chữa 3 căn nhà giúp đối tượng chính sách gặp khó khăn. Đội công tác Quân y của đơn vị đã tổ chức khám bệnh và tư vấn sức khỏe cho gần 200 người dân mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, tim mạch, xương khớp... 

Cũng quần xắn, áo bo dài, khăn đội đầu chống nắng tham gia cùng bộ đội và thanh niên trong làng làm đường giao thông, gặp chúng tôi, ông Khen (45 tuổi, dân tộc Ba Na), Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn HWay vui mừng nói: “Từ khi có bộ đội, dân làng mình đã tìm ra hướng thoát nghèo, nỗ lực cùng bộ đội để làm cho làng ngày càng đẹp hơn, đời sống ngày càng ấm no. Làng mình ơn bộ đội công binh nhiều lắm". 

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI