QĐND - Trong chục năm trở lại đây, mỗi năm cả nước có hơn một triệu thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và thi vào đại học, cao đẳng. Ngân sách Trung ương, địa phương bỏ ra cho kỳ thi này ước tính mỗi năm khoảng 1.400 tỷ đồng. Vậy mà theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT), kỳ thi THPT quốc gia năm nay dự kiến chi phí chỉ còn 140 tỷ đồng. Từ năm 2014 trở về trước, hầu hết các thí sinh phải tham dự 2 kỳ thi liền nhau: Thi tốt nghiệp THPT tại địa phương và thi tuyển sinh tại các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hoặc tại 4 cụm thi liên tỉnh. Số lượng bài thi nhiều hơn: 7 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài) và tuyển sinh ĐH một khối (3 bài); 10 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài) và tuyển sinh ĐH hai khối (6 bài); 13 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài), tuyển sinh ĐH hai khối (6 bài) và tuyển sinh CĐ (3 bài). Nay, thí sinh dự một kỳ thi, làm 4 bài thi tối thiểu, phổ biến là 5 hoặc 6 bài thi, cá biệt nhiều nhất là 8 bài thi. Trước đây, các thí sinh phải thi tốt nghiệp THPT trong 3 ngày, thi tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi đợt 3 ngày. Như vậy, thí sinh sẽ mất 6 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 1 đợt ĐH), 9 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 2 đợt ĐH), nay chỉ thi 4 ngày nên giảm được chi phí. Năm trước, các thí sinh dự thi tuyển sinh phải đi đến các trường ĐH, CĐ hoặc đến các cụm thi, trải qua quãng đường khá xa, gây áp lực giao thông và chi phí cho việc đi lại; nay với việc mở rộng ra thành nhiều cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh thì địa điểm dự thi gần sẽ giảm được chi phí đi lại cho thí sinh và gia đình. Không chỉ vậy, giảm được một kỳ thi sẽ giảm được kinh phí rất lớn để tổ chức hội đồng ra đề, kinh phí in sao, vận chuyển, bảo mật, chi cho các lực lượng bảo đảm an toàn bí mật, thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo…
Năm 2015, học sinh cả nước sẽ tham gia một kỳ thi quốc gia chung đầu tiên gồm thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ với nhiều quy định thi tuyển mới, theo hướng tiến bộ cả về thủ tục, chất lượng. Thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó đăng ký rõ các môn dự thi. Ba môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ là môn bắt buộc, còn lại tùy theo mục đích xét tốt nghiệp và xét vào ĐH mà thí sinh chọn thêm 1 hoặc một số môn khác theo quy định của Bộ GD-ĐT. Một hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia cũng được xây dựng, hoạt động trên internet liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Ở đó, các trường sẽ cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường mình. 3 ngày/lần, các trường sẽ công bố thông tin trên trang điện tử của trường, danh sách các thí sinh đã đăng ký vào trường, xét theo kết quả thi từ cao xuống thấp. Qua đó, thí sinh có thể biết mình đang đứng ở thứ tự nào và có cơ hội đỗ hay không. Nếu không có cơ hội đỗ, thí sinh có thể rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác có cơ hội cao hơn.
Theo đánh giá của nhiều nhà quản lý giáo dục, đây được coi là một bước đổi mới trong lộ trình cải cách giáo dục toàn diện, chắc chắn sẽ là một kỳ thi nghiêm túc, hiệu quả, đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo dư luận nhân dân.
NGUYỄN HỒNG SÁNG