Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
Tờ The Straits Times mới đây có bài viết đánh giá, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất. The Straits Times nhấn mạnh rằng Việt Nam đã chủ động tiến hành các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 từ sớm, chỉ ít ngày sau khi nước láng giềng Trung Quốc công bố những ca mắc đầu tiên. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, từ lúc dịch bệnh bắt đầu xâm nhập vào đất nước hay trong các đợt lây nhiễm tiếp theo, chính quyền và người dân Việt Nam đều thể hiện sự nhất quán, nhanh chóng, dứt khoát ngăn chặn virus SARS-CoV-2. “Minh chứng rõ ràng là Việt Nam luôn nằm trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có số ca bệnh Covid-19 thấp nhất thế giới”, The Straits Times khẳng định.
Vừa huy động nguồn lực để kiểm soát dịch bệnh, The Straits Times cho biết, Việt Nam đồng thời tái mở cửa và tập trung vào các biện pháp phục hồi nền kinh tế từ tháng 4-2020. Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91%, quốc gia với gần 100 triệu dân này lọt vào nhóm số ít nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong năm mà phần lớn thế giới chìm trong suy thoái. Việt Nam đạt được “kỳ tích” này là nhờ không có quý nào tăng trưởng âm trong cả năm ngoái. Bên cạnh đó, The Straits Times tin tưởng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng tích cực trong năm nay.
 |
Bên trong một nhà máy của Công ty VinSmart thuộc Tập đoàn Vingroup của Việt Nam. Ảnh: Bloomberg |
Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc vào đầu tháng này đã thông qua kế hoạch kinh tế 5 năm, trong đó Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng gần gấp đôi GDP bình quân đầu người. Tờ báo của Singapore nhận định, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được triển vọng đó nếu duy trì thành tựu kiểm soát đại dịch Covid-19 và hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh tới nền kinh tế.
“Thỏi nam châm” hút vốn FDI
Trên website chính thức của mình, tập đoàn bảo hiểm tín dụng Credendo có trụ sở tại Brussels (Bỉ) công bố nghiên cứu đánh giá Việt Nam là một trong số ít quốc gia cho thấy khả năng phục hồi rõ rệt khi đối mặt với cú sốc của đại dịch Covid-19. “Việt Nam hưởng lợi từ sự thay đổi của môi trường thương mại và việc tổ chức lại chuỗi cung ứng đang diễn ra, đồng thời là địa điểm đầu tư ổn định cho việc chuyển dịch đầu tư tại Đông Nam Á”, Credendo nêu rõ.
Theo tác giả Raphael Cecchi, Việt Nam ký thêm hai hiệp định thương mại tự do quan trọng với Liên minh châu Âu (EVFTA) và với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), và mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Chuyên gia phân tích của Credendo liệt kê rằng Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đầu tư mạnh cho phát triển cơ sở hạ tầng, có chính sách tiền tệ thích ứng tốt, lao động chi phí thấp và môi trường đầu tư thân thiện, qua đó giúp thúc đẩy thương mại và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). “Việt Nam đã trở thành “thỏi nam châm” hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung và Apple”, ông Cecchi cho biết thêm.
Cũng theo Credendo, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định trọng tâm là nền kinh tế và sự ổn định về chính trị nhằm góp phần tiếp tục khẳng định Việt Nam là nền kinh tế mở và định hướng xuất khẩu, là địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng chung nhận định trên, Nikkei Asia Review cho rằng các nhà đầu tư quốc tế đang coi Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có triển vọng ngay ở thời điểm hiện tại. Tờ báo chuyên về kinh tế hàng đầu của Nhật Bản trích dẫn báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International (Anh) cho biết, Việt Nam được xếp thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, trong danh sách các điểm đến cho hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong năm 2021, dựa trên các tiêu chí bao gồm sản xuất công nghiệp và ứng dụng công nghệ.
KHÁNH NGÂN