Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia: Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam; ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình; ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai; TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) về dự báo kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. 

Phóng viên (PV): GDP quý II đã có sự tăng trưởng đáng kể so với quý I. Một số tín hiệu phục hồi của các ngành, đặc biệt là xuất khẩu gạo, đang ngày càng rõ nét. Vậy chúng ta đã có thể xác định kinh tế Việt Nam đã “chạm đáy” hay chưa?

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân điện tử về tình hình kinh tế Việt Nam. 

Ông Shantanu Chakraborty: Dự báo mới nhất của ADB cho thấy nền kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ tăng trưởng ở mức 5,8%. Dữ liệu gần đây cho thấy quý I năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đạt mức 3,3% so với cùng kỳ năm 2022 và quý 2- 2023 được cải thiện lên 4,13% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam đã "chạm đáy" và sẽ khởi sắc hơn trong phần còn lại của năm.

TS Lê Đăng Doanh: Có thể nói, hiện nay, kinh tế Việt Nam đã hồi phục sau khi tăng trưởng thấp trong quý I và quý II năm 2023. Dự kiến, chúng ta sẽ nỗ lực đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá chúng ta sẽ tăng trưởng vào khoảng 5,8% đến 6%. Tôi cho rằng nếu tình hình thế giới có cải thiện cộng với sự nỗ lực trong nội tại nền kinh tế Việt Nam thì rất có thể, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay. Đó sẽ là một thành tựu ấn tượng đối với kinh tế khu vực.

Ông Lê Hoàng Anh: Với nhiều giải pháp chính sách và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế vĩ mô của nước ta tháng 7 và 7 tháng đầu năm cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, xu hướng phục hồi tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.

 Ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: VPQH

Chỉ số CPI tiếp tục có xu hướng giảm (tháng 1 là 4,89%; 2 tháng là 5,6%, quý I là 4,18%; 4 tháng là 3,84%; 5 tháng là 3,55%; 2 quý đầu năm là 3,29%, 7 tháng là 3,12%); lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm; thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 62,7% dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 7 tăng so với tháng trước, ước lần lượt là 2,2%, 2,1%, 2,4%; tổng vốn FDI 7 tháng tăng 4,5% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng ước đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 3,38% nhưng số tuyệt đối cao hơn gần 81 nghìn tỷ đồng. 

Đến nay, các tổ chức quốc tế điều chỉnh dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đều thấp hơn so với chỉ tiêu 6,5% mà Quốc hội quyết nghị. Tín hiệu của nền kinh tế cho thấy nhiều yếu tố và chỉ số là tích cực nhưng chưa bền vững; khó khăn thách thức còn rất lớn nhưng có thể khẳng định chúng ta đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc ở những tháng tiếp theo.

 Người dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) đang tất bật thu hoạch bưởi đỏ. Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

TS Nguyễn Quốc Việt: Bước sang nửa cuối năm 2023, nhiều dấu hiệu tích cực hơn của nền kinh tế cũng có thể báo hiệu một sự phục hồi nhẹ của tăng trưởng năm 2023. Các chỉ số sản xuất công nghiệp, quản trị nhà mua hàng, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đã có sự phục hồi nhẹ so với các tháng đầu năm.

Thị trường các tài sản tương đối ổn định, thị trường chứng khoán phục hồi khả quan trong những tháng gần đây và kỳ vọng tiếp tục khởi sắc, du lịch cả quốc tế lẫn trong nước đều trên đà tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên với những rủi ro và thách thức như phân tích ở trên, cũng rất khó đoán định liệu tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã “thoát đáy” hay chưa. Các dự báo tăng trưởng của một số tổ chức kinh tế lớn vẫn đang hạ mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam so với những lần dự báo trước đây (WB hạ xuống còn dưới 5%).

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam 

Ông Phan Đức Hiếu: Tình hình kinh tế 7 tháng năm 2023 bắt đầu có những khởi sắc khi đã có một số ngành, lĩnh vực đã có những dấu hiệu cho thấy khó khăn được giảm bớt, điển hình là chỉ số sản xuất công nghiệp, một số khó khăn của doanh nghiệp, của nền kinh tế cũng giảm đi...

Tuy nhiên, khó khăn chung của nền kinh tế vẫn còn rất lớn khi chỉ số xuất khẩu, nhập khẩu chưa có sự tăng trưởng bứt phá; còn sản xuất công nghiệp thì có ngành tăng mạnh, có ngành lại giảm, có địa phương thì tăng, có địa phương lại giảm sâu...

Như vậy, nhìn chung 7 tháng năm 2023, khó có thể nói nền kinh tế đã "chạm đáy" hay chưa nhưng rõ ràng là nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Lao động, sản xuất, kinh doanh ở chừng mực nào đó đang có dấu hiệu phục hồi nhưng có thể thay đổi trạng thái và khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, khó khăn về vốn, về dòng tiền là rất rõ. Tuy nhiên, nếu so với những tháng trước đó thì nền kinh tế đã có những dấu hiệu khởi sắc mong manh, khó khăn đã giảm bớt.

 Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: VPQH

Mặt khác, theo tôi, thách thức của nền kinh tế trong thời gian tới còn rất lớn. Bởi lẽ, tình hình kinh tế, chính trị và khó khăn của nền kinh tế thế giới vẫn còn rất khó dự đoán. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo nền kinh tế sẽ tồi tệ hơn hoặc bằng mức cũ.

Như vậy, có thể khẳng định rằng khó khăn của nền kinh tế là vẫn hiện hữu và vẫn là một thách thức đối với nền kinh tế nước ta trong thời gian tới.

PV: Dù có thể còn những quan điểm khác biệt về việc“chạm đáy” hay chưa nhưng việc phục hồi của nền kinh tế Việt Nam là điều tất yếu. Các chuyên gia có thể dự báo mô hình phục hồi của kinh tế Việt Nam?

Ông Shantanu Chakraborty: Các kịch bản phục hồi phụ thuộc vào các chính sách của Chính phủ và việc thực hiện hiệu quả các chính sách đó. Chính phủ cũng nhận thức rõ điều này khi đưa ra dự báo 2 kịch bản như đã báo cáo trước Quốc hội (6,0% hoặc 6,5%) và chúng ta nên theo dõi chặt chẽ tác động của các chính sách của chính phủ trong những tháng tới.

Triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam là tích cực, nhưng cần tiếp tục theo đuổi các động lực cơ bản hơn cho phát triển bền vững, cụ thể là phát triển cơ sở hạ tầng với khả năng chống chịu khí hậu và tác động các-bon thấp, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ và bảo đảm phúc lợi xã hội, giáo dục và xây dựng kỹ năng, đặc biệt là về khoa học và công nghệ, sẵn sàng ứng phó với các vấn đề y tế và các tình trạng khẩn cấp, phát triển thị trường dịch vụ.

Tôi cho rằng, các thách thức trong ngắn hạn đang được xử lý, cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng.

Dự báo tăng trưởng GDP của các tổ chức quốc tế. Nguồn: Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của CP, TTgCP

Ông Lê Hoàng Anh: Tăng trưởng cả năm của nước ta khó có thể đạt mục tiêu 6,5% nhưng có thể phấn đấu đạt từ 5,5% đến 6,0%. Đạt được mức độ tăng trưởng này cũng đã là thành công.

Từ nay đến hết năm 2023 và sang năm 2024, tôi cho rằng, những giải pháp chính sách sẽ có hiệu quả hơn những tháng đầu năm; tiêu dùng và dịch vụ sẽ tăng trưởng tốt nhờ các chính sách hỗ trợ du lịch phục hồi, giảm 2% thuế VAT và điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho người hưởng lương trong bộ máy nhà nước và trợ cấp xã hội; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định và có đóng góp lớn đối với sự ổn định kinh tế - xã hội của nước ta; khu vực công nghiệp từng bước phục hồi, tăng trưởng nhưng sẽ chậm hơn các khu vực khác; xuất nhập khẩu sẽ được cải thiện nhưng cơ cấu có thể có sự thay đổi; thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán những tháng cuối năm 2023 phục hồi chậm nhưng nếu kiên trì, quyết liệt với những giải pháp đồng bộ thì sang năm 2024 sẽ được cải thiện cơ bản.

Ảnh 1: Hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất lốp ô tô, Công ty TNHH Sailun Việt Nam (tỉnh Tây Ninh).

Ảnh 2: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam.

Ảnh 3: Hoạt động sản xuất tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Ảnh 4: Công ty TNHH HAVINA Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) là DN có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc sản xuất mặt hàng may mặc xuất khẩu. Ảnh: qdnd.vn 

TS Lê Đăng Doanh: Trong kinh tế học, có các mô hình hồi phục như: Mô hình chữ V (đây là kịch bản phục hồi lạc quan nhất, kinh tế suy giảm nhanh rồi phục hồi cũng nhanh); mô hình chữ W (là kịch bản phục hồi 2 lần, kinh tế tăng tốc rồi xuống dốc trở lại, sau đó lại tăng tốc); mô hình chữ U (kịch bản ít thuận lợi hơn nhưng vẫn lạc quan, kinh tế suy thoái kéo dài lâu hơn rồi sau đó phục hồi chậm); mô hình chữ L (kịch bản u ám nhất, các biện pháp vực dậy kinh tế quá khiêm tốn dẫn đến nguy cơ suy thoái mạnh). Đánh giá về những gì đã đạt được tại Việt Nam và dự báo cho sự hồi phục của nền kinh tế, tôi lạc quan cho rằng, Việt Nam sẽ hồi phục kinh tế theo mô hình chữ V hoặc chữ W.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Ảnh: Tạp chí Doanh nghiệp và hội nhập 

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi cho rằng, dự báo về phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng tới phụ thuộc rất nhiều vào việc giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế, tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh và phụ thuộc vào cả sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Do đó, kịch bản kinh tế tăng trưởng của nước ta phụ thuộc vào việc mình giải quyết như thế nào, giải quyết đến đâu và sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Tôi cho rằng, thứ nhất về nguyên tắc, nới lỏng chính sách tiền tệ, nới lỏng, linh hoạt trước hết sẽ giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế. Tất nhiên, kỳ vọng là từ giảm bớt khó khăn để có thêm nguồn lực, để từ đó tạo ra động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay rất khó nói vì có rất nhiều biến số trong câu chuyện kỳ vọng kết quả tăng trưởng là bao nhiêu, vì điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Cá nhân tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ có sự thay đổi tích cực hơn trong thời gian tới so với 2 quý vừa rồi của năm 2023.

Tôi đồng ý với 3 kịch bản mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố mới đây. 

Kịch bản 1 là: Giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối của các năm 2021-2022. Tăng trưởng GDP khả năng đạt 5,34% trong năm 2023; trong đó xuất khẩu cả năm giảm 5,64% và chỉ số CPI bình quân tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.

Kịch bản 2: Giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 về các yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm, xuất khẩu giảm 3,66% và CPI bình quân tăng 3,87%, cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.

Kịch bản 3: Lạc quan hơn với giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn…) và sự quyết liệt trong cải cách, điều hành ở Việt Nam. Nhờ vậy, hoạt động giải ngân và hấp thụ đầu tư công, tín dụng đạt kết quả tối đa. Môi trường kinh doanh và năng suất lao động tiếp tục cải thiện. Hoạt động đầu tư được thúc đẩy và thực hiện theo hướng hiệu quả hơn.

Ở kịch bản này, kỳ vọng tăng trưởng GDP có thể ở mức 6,46% trong năm 2023. Theo đó, xuất khẩu cả năm chỉ giảm 2,17%, CPI bình quân tăng 4,39%, cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia nghiêng về kịch bản tăng trưởng 2; theo đó, GDP Việt Nam năm nay dự báo ở mức 5,72%.

PV: Xin cảm ơn các chuyên gia!

(còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.