Tập trung đầu tư phát huy những thế mạnh

Kiên Giang là tỉnh vừa có đồng bằng, núi, rừng, vừa có biển và hải đảo. Vùng biển Kiên Giang được xác định là ngư trường trọng điểm đánh bắt hải sản của cả nước. Kinh tế thủy hải sản là thế mạnh của tỉnh sau sản xuất nông nghiệp; có nguồn thủy sản đa dạng, phong phú bao gồm nhiều loài cá, tôm và đặc sản quý, như: Đồi mồi, hải sâm, sò huyết, nghêu lụa, rau câu, ngọc trai, bào ngư… Để khai thác tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều dự án, đề án với những giải pháp phù hợp thực tế địa phương; trong đó tập trung chủ yếu vào phát triển thủy sản, du lịch biển và đầu tư hạ tầng.

Tỉnh Kiên Giang có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Ảnh: PHƯƠNG VŨ

Đến xã đảo Tiên Hải (TP Hà Tiên) những ngày này, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi diện mạo mới hoàn toàn. Vừa dẫn chúng tôi tham quan một vòng xã đảo, ông Phan Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Hải, vừa chia sẻ: "Trước đây chỉ có một vài hộ nuôi cá lồng bè trên biển và nuôi nghêu trắng với diện tích rất nhỏ. Việc nuôi trồng thủy sản chủ yếu theo nhu cầu của cư dân sinh sống ven biển với phương thức nuôi đơn giản, hiệu quả kinh tế chưa cao. Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xã được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ ngư dân phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng bè, vừa mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, vừa góp phần phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ đó, đời sống người dân trên đảo ngày càng được cải thiện. Đến nay, toàn xã có khoảng 140 phương tiện khai thác đánh bắt thủy sản với tổng công suất hơn 10.580CV. Năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản hơn 4.000 tấn, với tổng trị giá gần 100 tỷ đồng. Nghề nuôi cá lồng bè trên biển đang phát triển mạnh ở xã với gần 100 hộ, khoảng 170 lồng bè, chủ yếu nuôi các loài cá bóng mú, cá bớp, cá chẽm… Năm 2017, sản lượng hơn 400 tấn, mang lại thu nhập cho người nuôi cá hàng chục tỷ đồng".

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản vùng ven biển ở địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh và đa dạng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 217.000 tấn/năm; trong đó, năm 2017 đạt hơn 60.000 tấn tôm, phục vụ tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh có gần 20 nhà máy chế biến thủy sản với dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, tổng công suất khoảng 280.000 tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 160 triệu USD. Cùng với đó, sản lượng khai thác thủy sản hằng năm tăng, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng cả nước và hơn 40% sản lượng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong 9 tháng qua, sản lượng khai thác thủy sản khoảng 438.000 tấn, đạt hơn 79% kế hoạch.

Ngoài nguồn lợi thủy sản, du lịch biển đảo cũng là lĩnh vực trọng yếu của kinh tế biển Kiên Giang, đang được tỉnh đầu tư phát triển bền vững, khai thác hiệu quả. Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc: Địa phương đã thu hút 278 dự án đầu tư, phần lớn là lĩnh vực du lịch. Đến nay, có 34 dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả, tạo điểm nhấn cho du lịch Phú Quốc, như: Khu Vinpearl, khu Safari, cáp treo An Thới-Hòn Thơm… Cùng với đó, tỉnh cũng đang phát triển thêm du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa ở Kiên Hải, Kiên Lương, Hà Tiên và Rạch Giá; đồng thời đầu tư phát triển một số nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp nhằm làm đa dạng sản phẩm mang nét đặc trưng của vùng đất Kiên Giang.

Kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo cũng được quan tâm đầu tư, như: Các công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống cảng biển, trường học, trạm y tế và các dự án phát triển du lịch... tạo đà cho kinh tế biển ở Kiên Giang phát triển. Giai đoạn 2011-2015, các nguồn lực được dồn cho phát triển kinh tế biển, trong đó huy động vốn đầu tư gần 137.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh. Nhờ vậy, kinh tế biển ở Kiên Giang có nhiều chuyển biến tích cực.

Vẫn còn “điểm nghẽn” cần được khơi thông

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang: Để thúc đẩy kinh tế biển phát triển, những năm qua, tỉnh Kiên Giang đầu tư theo hướng giảm dần tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, phát triển tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ, vừa tăng sản lượng khai thác hằng năm, vừa góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo. Điểm nổi bật trong phát triển khai thác thủy sản biển là tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá. Hiện, toàn tỉnh có 26 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, với khả năng đóng mới hơn 300 tàu/năm và sửa chữa hơn 600 tàu/năm; trong đó 12 cơ sở đủ điều kiện đóng tàu công suất từ 400CV trở lên, đáp ứng nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu cá trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, để khai thác thủy sản biển phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả trong thời gian tới, theo ông Tâm, phấn đấu đến năm 2020, giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh khoảng 500.000 tấn/năm, chú trọng nâng chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; giảm tỷ trọng sản lượng khai thác ven bờ còn 35%, tăng sản lượng khai thác xa bờ lên 65%; giảm dần số tàu thuyền khai thác xuống còn khoảng 10.000 chiếc.

Tiếp tục triển khai Chiến lược biển Việt Nam giai đoạn tiếp theo, Kiên Giang xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, du lịch biển đảo, như: Hỗ trợ lãi suất vốn vay, chuyển đổi ngành nghề, chính sách đối với hợp tác xã… Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh: "Tỉnh tiếp tục chú trọng phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và đã mang lại hiệu quả kinh tế; đồng thời, đầu tư phát triển thêm ở một số nơi có điều kiện, như: Quần đảo Bà Lụa (Kiên Lương); Tiên Hải (Hà Tiên); Hòn Tre, Lại Sơn, Nam Du (Kiên Hải); phát triển kinh tế hàng hải gồm dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu thuyền, vận tải biển…; đầu tư nâng cấp cảng Hòn Chông (Kiên Lương); hoàn thành đưa vào khai thác cảng hành khách quốc tế Dương Đông (Phú Quốc), cảng Bãi Nò (Hà Tiên),… từng bước đưa Kiên Giang trở thành tỉnh mạnh nhất về kinh tế biển".

THÚY AN