Bài 1: Nỗ lực ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh
Sau hơn hai năm chịu tác động từ dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng gia tăng. Trước tình trạng đó, ngành ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát, ngăn chặn hình thành nợ xấu phát sinh.
Kiểm soát nợ xấu nội bảng ở mức dưới 2%
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Thời gian qua, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình, kế hoạch hành động bám sát tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành ngân hàng, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sau gần 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt kết quả quan trọng. Theo đó, nợ xấu của hệ thống các TCTD đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của toàn hệ thống các TCTD đến ngày 31-12-2021 giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực (ngày 15-8-2017). Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 được xử lý từ ngày 15-8-2017 đến 31-12-2021 đạt trung bình khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.150 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực.
 |
Khánh hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Ảnh: NGUYỄN NHỊ |
Theo Phó thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú: Trong năm 2021, NHNN Việt Nam đã chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô; tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp và chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống từ 12% lên 14%, tạo điều kiện và hiệu ứng cho các TCTD đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh với lãi suất thấp... Về điều hành tín dụng, trong năm 2021, ngành ngân hàng đã đồng hành, giúp DN và người dân tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh bằng chính nguồn lực của mình, với nhiều giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó, trong năm 2021, các TCTD đã nỗ lực kiểm soát, ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh và tích cực xử lý nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm... nên mặc dù khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm mạnh nhưng tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD vẫn được kiểm soát ở mức dưới 2%.
Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho hay: "Được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo NHNN Việt Nam, sự hỗ trợ phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan, đơn vị có liên quan, các kế hoạch kinh doanh năm 2021 của VAMC đều tăng trưởng cao so với năm 2020, cụ thể: Mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt tăng 43,35% so với năm 2020; mua nợ theo giá trị thị trường tăng 41,32% so với năm 2020; VAMC đã hoàn thành 100% chỉ tiêu mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt; các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả được NHNN Việt Nam giao đều hoàn thành vượt kế hoạch và tăng trưởng so với năm 2020...".
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội đánh giá cao Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã giúp các DN tái cơ cấu tài chính. Nhờ vậy, DN tự đánh giá được sức khỏe của mình, nếu DN nào không tồn tại được phải giải thể. “Bài toán muôn thuở là tài sản thế chấp, rất mong ngành ngân hàng có những quyết sách tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội”, bà Trịnh Thị Ngân kiến nghị.
Hình thành thị trường mua bán nợ chính thức
Phó thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh nhận định: "Trong bối cảnh hoạt động ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 nhưng VAMC đã nỗ lực thích ứng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó nổi bật là sàn giao dịch nợ của VAMC đi vào hoạt động, tạo cơ sở để hình thành một thị trường mua bán nợ chính thức, thúc đẩy minh mạch hóa thông tin các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm. Nhờ đó, thanh khoản trên thị trường sẽ được tăng cường và giúp VAMC hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp thông tin về nợ xấu của TCTD, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam".
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, năm 2021, ngân hàng đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ đầu năm; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả; kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng. Dư nợ tín dụng đạt khoảng 963.670 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020, góp phần cung ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đồng thời tuân thủ giới hạn tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN Việt Nam. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng: Tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,63%; trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, sớm trước hai năm so với thời hạn quy định của NHNN Việt Nam; tỷ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng.
Năm 2021, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã cắt giảm hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành với khách hàng vượt qua khó khăn. Bước sang năm 2022, VietinBank sẽ chuẩn bị các nguồn lực và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ DN như tập trung đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng công nghệ thông tin, số hóa toàn diện sản phẩm ngân hàng; tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ khách hàng DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, VietinBank cũng chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, xuyên suốt từ trụ sở chính đến các chi nhánh để nhận diện sớm rủi ro và triển khai các biện pháp kiểm soát chất lượng nợ.
(còn nữa)
NGUYỄN ANH VIỆT